Là Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, mãi còn in dấu ấn dẹp loạn, đánh “Tống”, bình “Chiêm”, thống nhất giang sơn; tạo ra phát tích quá trình định đô tại Thăng Long (Hà Nội), khi vua Lý Thái Tổ rời kinh đô Hoa Lư về Thăng Long vào năm 1010. Từ đó, Hoa Lư trở thành cố đô, được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa theo đúng quyết định số 82/2003/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trong vùng đất phù sa cổ ở cố đô Hoa Lư có con người cư trú từ rất sớm; có nhiều trầm tích xương răng đười ươi, động vật trên cạn thời sơ kỳ đồ đá cũ thuộc nền văn hóa Tràng An; nhiều hang động có di chỉ người thời kỳ văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Đa Bút. Trải qua hơn 1.000 năm, cố đô Hoa Lư vẫn lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử. Trong đó có hai di tích chính là đền vua Ðinh và đền vua Lê, có lối kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc rất độc đáo. Đặc biệt, khu vực đền vua Đinh có hai bộ “Long sàng” bằng đá xanh nguyên khối. Một bộ đặt trước Nghi môn ngoại và một bộ đặt phía trước đền vua Đinh, được công nhận là bảo vật Quốc gia cuối năm 2017.
Long sàng có dạng hình chữ nhật với gờ nổi bao quanh, niên đại xác định ở thế kỷ XVII, là hiện vật tiêu biểu cho vương quyền, tượng trưng như bệ rồng dùng cho vua ngự triều. Mặt Long sàng chạm khắc hình rồng nổi, dáng khỏe, hiên ngang; các chi được cách điệu hướng vào trong, túm lấy sừng, râu và vây rồng, phía chân đế có chín khối đá với kích thước không đều nhau, được trang trí hoa văn chạm nổi dây leo cuốn và vân mây, đao, mác rất đối xứng, thể hiện sự sáng tạo, tài hoa, kiệt tác của những người thợ điêu khắc đá thế kỷ XVII, trở thành hiện vật có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa.
Được biết, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII sắp tới xác định rõ: Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư. Đó là điểm nhấn quan trọng để Ninh Bình cuốn hút khách du lịch trong nước, quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.