Nga: Sự cố trạm vũ trụ lệch hướng là do lỗi phần mềm điều khiển module Nauka

NDO -

Ngày 30/7, Nga cho biết lỗi phần mềm đã gây ra sự cố khiến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) lệch trục trong thời gian ngắn, sau khoảng ba tiếng đồng hồ khi động cơ của module nghiên cứu Nauka (còn gọi là Khoa học) của Nga được lắp ghép vào ISS.

Module Phòng thí nghiệm đa năng Nauka (Khoa học) được lắp ghép vào Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bên cạnh tàu vũ trụ Soyuz MS-18 vào ngày 29/7. (Ảnh: Oleg Novitskiy/Roscosmos).
Module Phòng thí nghiệm đa năng Nauka (Khoa học) được lắp ghép vào Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bên cạnh tàu vũ trụ Soyuz MS-18 vào ngày 29/7. (Ảnh: Oleg Novitskiy/Roscosmos).

Trước đó, tối 29/7, Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos đã ra thông báo về việc lắp ghép thành công module Nauka sau 8 ngày di chuyển từ Trái đất lên đến ISS.

Tuy nhiên vào khoảng 23 giờ 45 phút cùng ngày, động cơ đẩy của Nauka bất ngờ phụt lửa, đẩy ISS lệch khỏi trục bình thường.

Khi trạm bắt đầu xoay chuyển, đội kiểm soát ở Trái đất đã yêu cầu phi hành đoàn đóng các cửa sổ và bật động cơ đẩy của module Zvezda đối diện nhằm đảo lại quỹ đạo. Tàu robot hỗ trợ Progress 78 cũng hỗ trợ quá trình này. Loạt hành động phối hợp này đã giúp trạm ISS quay được về quỹ đạo cũ.

Ông Vladimir Solovyov, tổng thiết kế tại Energia, một công ty thuộc cơ quan vũ trụ Nga, đã trấn an các đối tác quốc tế rằng, sự cố đã được kiểm soát và cho biết các phi hành gia sẽ sớm thiết lập và vận hành module Nauka.

Trong một tuyên bố, ông cho biết: “Do lỗi phần mềm trong thời gian ngắn, một lệnh trực tiếp đã được thực hiện nhầm để bật động cơ của module, dẫn đến toàn bộ tổ hợp trạm bị lệch hướng”.

Ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, sau đó nói rằng sự chủ quan của con người có thể có liên quan.

Nga: Sự cố trạm vũ trụ chệch hướng là do lỗi phần mềm điều khiển module Nauka -0
Module Nauka được nhìn thấy trước khi cập bến Trạm vũ trụ quốc tế tối 29/7. (Ảnh: Oleg Novitskiy/Roscosmos).

NASA cho biết, sự cố đã di chuyển trạm lệch 45 độ, tức khoảng 1/8 vòng tròn hoàn chỉnh, nhưng tổ hợp của trạm không bao giờ quay, không có thiệt hại hoặc nguy hiểm ngay lập tức cho phi hành đoàn.

NASA và Roscosmos đều cho biết bảy thành viên phi hành đoàn trên tàu - hai phi hành gia Nga, ba phi hành gia Hoa Kỳ và hai người khác đến từ Nhật Bản và Pháp đều an toàn.

Cả hai cơ quan cũng cho biết sự cố đã được khăc phuc trong thời gian tương đối ngắn mà không có thiệt hại rõ ràng đối với trạm vũ trụ.

Nhà du hành vũ trụ người Nga Oleg Novitsky, người có mặt trên tàu, hôm 30/7 đã nói với những người theo dõi của anh trên Twitter đừng lo lắng.

"Các bạn thân mến, tôi đang đọc rất nhiều bình luận của các bạn. Đừng lo lắng! Công việc của chúng tôi tại Trạm vũ trụ quốc tế để tích hợp module Nauka mới đến vẫn tiếp tục! Tối nay chúng tôi sẽ mở các cửa sập. Sẽ thông báo cho các bạn!", anh viết.

Sự cố ngày 29/7 đã khiến NASA quyết định hoãn vụ phóng thử nghiệm tàu vũ trụ Starliner của Boeing, dự kiến diễn ra vào ngày 30/7, cho đến khi ISS hoàn tất kiểm tra đối với Nauka và sẵn sàng đón tàu Starliner.