Nga phản đối phương Tây áp giá trần dầu thô

Trong phản ứng sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) công bố áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, Moskva tuyên bố đây hành vi vi phạm nguyên tắc thị trường và là động thái nguy hiểm.
0:00 / 0:00
0:00
Giếng dầu ở thành phố Almetyevsk, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)
Giếng dầu ở thành phố Almetyevsk, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Việc áp trần giá không chỉ là cơ chế phi thị trường, mà còn là biện pháp chống lại thị trường. Nga tin rằng thế giới vẫn có nhu cầu về dầu mỏ của Nga và Moskva sẽ tiếp tục tìm được khách hàng mua dầu, bất chấp biện pháp hạn chế của phương Tây.

Trong bình luận ngày 3/12 trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Mỹ chỉ trích động thái của phương Tây là “định hình lại” nguyên tắc thị trường tự do, biện pháp áp trần giá dầu làm bất ổn gia tăng, khiến khách hàng phải trả chi phí cao hơn. Người phát ngôn Tổng thống Nga tuyên bố, Moskva không chấp nhận việc G7 và EU áp giá trần với dầu thô của Nga, đồng thời cảnh báo Nga sẽ đưa ra biện pháp đáp trả. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc nhắc lại tuyên bố của Tổng thống V.Putin nói rằng, Moskva sẽ không bán dầu cho quốc gia nào áp giá trần với dầu của Nga.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, toàn bộ 27 thành viên EU đã phê chuẩn quyết định áp giá trần với dầu thô nhập khẩu của Nga và được vận chuyển bằng đường biển, với mức 60 USD/thùng như G7 đề xuất. Quyết định có hiệu lực từ hôm nay 5/12. Biện pháp mới của G7 và EU cũng cấm các công ty vận tải biển và hãng bảo hiểm nhận đơn hàng vận chuyển dầu thô của Nga trên toàn thế giới với giá bán cao hơn mức trần nêu trên.

Chủ tịch EC nêu rõ, quyết định của EU và G7 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của Nga, song sẽ giúp ổn định giá năng lượng toàn cầu và mang lại lợi ích cho các quốc gia vốn đang gặp khó khăn do giá dầu cao. Mức trần 60 USD/thùng được cho là hợp lý, hạn chế được nguồn thu ngân sách của Moskva, song vẫn cho phép dầu thô của Nga lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, trong tuyên bố đăng trên tài khoản mạng xã hội, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary cảnh báo, EU cần nhận ra thực tế rằng, việc áp trần giá dầu và các biện pháp tương tự sẽ gây tổn hại nhiều nhất cho chính nền kinh tế EU. Nỗ lực đấu tranh vì lợi ích quốc gia, Hungary đã được miễn trừ cơ chế áp trần giá dầu.

Trong khi đó, Ukraine cho rằng, mức giá trần G7 và EU áp đặt với dầu thô của Nga là chưa đủ mạnh, vẫn giúp ngân sách của Nga tăng 100 tỷ USD mỗi năm. Ukraine cho rằng, mức trần nên là 30 USD/thùng.