Nga nêu giải pháp thúc đẩy thanh toán trong BRICS

NDO - Đại diện Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, tiến trình tạo ra đồng tiền chung của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gặp nhiều khó khăn, song vẫn có những giải pháp khác, trong bối cảnh tỷ lệ giao dịch không sử dụng USD giữa các nước trong khối liên tục tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga V.Putin phát biểu tại Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 14. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga V.Putin phát biểu tại Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 14. Ảnh: TASS

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin cho biết, tiến trình tạo ra đồng tiền chung của BRICS (gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) gặp một số khó khăn.

Ông Pankin phân tích, việc hai hoặc nhiều quốc gia chuyển sang loại tiền chung đòi hỏi thành lập trung tâm phát hành và quản lý mới, tương tự Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tuy nhiên, nỗ lực thống nhất về thủ tục thành lập và phạm vi quyền hạn, cũng như địa điểm vấp phải không ít khó khăn.

Theo ông Pankin, chuyển giao quyền phát hành tiền cho một cơ quan chung sẽ hạn chế khả năng theo đuổi chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô độc lập của quốc gia.

Ý tưởng tạo ra đồng tiền chung của BRICS được đề cập nhiều thời gian gần đây. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, trong bối cảnh tỷ lệ giao dịch không dùng đồng USD giữa các nước BRICS liên tục tăng, sáng kiến về đồng tiền chung của khối là không có gì đáng ngạc nhiên.

Ông Pankin nhắc lại, Tổng thống Brazil Lula da Silva gần đây đã công bố sáng kiến tạo ra loại tiền chung để thanh toán qua lại trong khuôn khổ nhóm BRICS.

Trước đó, tại Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 14 diễn ra hồi tháng 6/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất nghiên cứu khả năng thành lập một loại tiền dự trữ quốc tế dựa trên các đồng tiền quốc gia của các nước BRICS.

Khẳng định có khó khăn trong việc tạo ra đồng tiền chung trong khối, song nhà ngoại giao Nga nhận định, vẫn có những giải pháp khác. Theo ông Pankin, sẽ thực tế hơn nếu coi đồng tiền chung của BRICS không phải giải pháp thay thế đồng tiền quốc gia, mà sẽ là công cụ đa phương dựa trên đồng tiền của các nước là thành viên của khối.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, một sáng kiến trước đây đã đề xuất về chức năng đồng tiền chung của nhóm BRICS như loại tiền tệ dự trữ tương tự đơn vị tiền tệ quy ước Quyền rút vốn đặc biệt do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phát hành. Ông Pankin nhấn mạnh, phương án này cũng cần được tập trung nghiên cứu.