Nga đề nghị loại bỏ rào cản xuất khẩu nông sản

Nga tiếp tục lên tiếng đề nghị các nước phương Tây loại bỏ rào cản đối với nông sản xuất khẩu của Nga. Hãng tin Nga TASS dẫn phát biểu của Ðại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 17/3 nêu rõ: Bản ghi nhớ Nga ký với Liên hợp quốc năm 2022 bao gồm cả nghĩa vụ đưa mặt hàng lương thực và phân bón xuất khẩu của Nga ra khỏi các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã phớt lờ, khiến thỏa thuận nêu trên không được thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa mỳ tại Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Thu hoạch lúa mỳ tại Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được tổ chức một ngày trước khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Ðen mà Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc hết hạn. Tại cuộc họp, đại diện Nga yêu cầu trong vòng 60 ngày kể từ khi thỏa thuận trên được gia hạn, các nước phương Tây phải loại bỏ toàn bộ hạn chế đi kèm các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga. Trước đó, Nga tuyên bố chỉ nhất trí kéo dài thực hiện thỏa thuận thêm 60 ngày, kể từ ngày 18/3.

Nga cũng đặt câu hỏi về hiệu quả thực tế của Sáng kiến ngũ cốc Biển Ðen. Ðại diện Nga tại Liên hợp quốc cho biết, hiện chỉ khoảng 3% lượng ngũ cốc xuất khẩu theo thỏa thuận tới các nước nghèo. Theo phía Nga, sáng kiến trên được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng trên Biển Ðen, giúp hạ nhiệt giá lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế các nước nghèo chỉ nhận được lượng ngũ cốc ít ỏi cho thấy mục đích nhân đạo của thỏa thuận đã bị biến thành thương mại.

Liên hợp quốc tiếp tục khẳng định "làm mọi việc có thể" để bảo đảm Sáng kiến ngũ cốc Biển Ðen được duy trì. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và khẩn cấp nêu rõ: Liên hợp quốc đang làm việc sát sao với tất cả các bên liên quan để bảo đảm thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua Biển Ðen được tiếp tục thực hiện. Liên hợp quốc cũng nỗ lực thúc đẩy gỡ bỏ các rào cản đối với việc cung cấp lương thực và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.

Trong khi đó, Nga bác bỏ việc Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ban hành "lệnh bắt giữ" đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại họp báo ngày 17/3, người phát ngôn Ðiện Kremlin nêu rõ, Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và coi tuyên bố của ICC là vô hiệu về mặt pháp lý. Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga tuyên bố, Moskva coi bất kỳ động thái nào tấn công Tổng thống Nga là "hành vi xâm lược".