Dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất, dự kiến kéo dài nhiệm vụ của nhóm chuyên gia đến ngày 30/4/2025. Tại cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an hôm 28/3, văn kiện trên nhận được 13 phiếu ủng hộ, 1 phiếu chống của Nga và 1 phiếu trắng của Trung Quốc.
Tân Hoa xã dẫn phát biểu của Ðại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya nêu rõ nhóm chuyên gia không đảm đương được nhiệm vụ, không đưa ra đánh giá công bằng về vấn đề trừng phạt Triều Tiên. Theo phía Nga, các biện pháp trừng phạt không giúp đạt được mục tiêu đã đặt ra, không dẫn đến ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên, không khuyến khích các bên đối thoại, trong khi tạo gánh nặng lớn đối với người dân Triều Tiên.
Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề Triều Tiên không thể tách rời sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và bầu không khí thuận lợi. Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên áp dụng cách tiếp cận hợp lý, duy trì cam kết chính trị, nối lại liên lạc, xây dựng lòng tin lẫn nhau, tái khởi động đối thoại càng sớm càng tốt và nỗ lực hơn nữa vì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, trong phát biểu nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Triều Tiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Triều Tiên, hướng tới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.
Ðại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ri Ryong Nam khẳng định, Triều Tiên coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Trong khi đó, ngày 29/3, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui khẳng định lại lập trường không đàm phán về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong chiến tranh Triều Tiên. Ðại sứ Ri Ryong Nam cũng cho biết, Bình Nhưỡng không có ý định tổ chức đàm phán với Tokyo.
Trước đó, ngày 28/3, Nhật Bản tuyên bố tiếp tục nỗ lực để tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên. Hãng tin Kyodo dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho rằng, việc xây dựng mối “quan hệ hiệu quả” với Triều Tiên sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước và sự ổn định của khu vực.