New Zealand phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ

Giới chức y tế New Zealand đã yêu cầu những người tham dự sự kiện Queenstown Winter Pride vào tháng 8 theo dõi các triệu chứng vì họ có thể đã tiếp xúc với những người mang virus gây bệnh đậu mùa khỉ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau khi xác nhận 2 ca mới mắc bệnh đậu mùa khỉ, Chính phủ New Zealand đã phê duyệt vaccine phòng bệnh này.

Cơ quan Quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế New Zealand (Medsafe) đã cấp phép tạm thời sử dụng vaccine Jynneos phòng bệnh đậu mùa khỉ. Bộ trưởng Y tế Shane Reti cho biết vaccine Jynneos đã được đưa vào sử dụng tại New Zealand kể từ năm 2023 để phòng ngừa cho những người có nguy cơ cao nhất.

New Zealand đã xác nhận 2 trường hợp mắc mới bệnh đậu mùa khỉ, được cho là có khả năng liên quan đến sự kiện Queenstown Winter Pride tháng trước.

Các nhà nghiên cứu cho biết đây là những trường hợp nhiễm chủng virus đậu mùa khỉ clade II phổ biến hơn, không phải chủng clade I nghiêm trọng hơn.

Theo Bộ trưởng Reti, nhà chức trách đang tiếp tục truy vết và có thể phát hiện thêm các ca bệnh mới, song nguy cơ lây lan dịch bệnh tại New Zealand vẫn ở mức thấp.

Mặc dù vậy, ông vẫn cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ là mối quan ngại về sức khỏe cộng đồng toàn cầu hiện nay và điều quan trọng là New Zealand phải có sự giám sát và triển khai biện pháp phòng ngừa tại chỗ.

Giới chức y tế New Zealand đã yêu cầu những người tham dự sự kiện Queenstown Winter Pride vào tháng 8 theo dõi các triệu chứng vì họ có thể đã tiếp xúc với những người mang virus gây bệnh đậu mùa khỉ.

Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, một phần là do sự xuất hiện của chủng mới gọi là clade Ib đang lây lan chủ yếu ở các quốc gia Trung Phi và Đông Phi, cùng các trường hợp ở Thụy Điển và Thái Lan.

Theo WHO, đến nay đã có hơn 100.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo trên toàn cầu. New Zealand ghi nhận 54 ca kể từ năm 2022, trong đó kể từ đầu năm 2024 đến nay, có ít nhất 5 ca.