Văn hóa và Phát triển

Nét độc đáo của trang phục dân tộc thiểu số

Nước ta có cộng đồng 54 dân tộc với nhiều trang phục truyền thống phong phú, đa dạng và đậm bản sắc riêng. Song thời gian qua, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đã có nhiều mai một, thậm chí nguy cơ bị xóa nhòa, quên lãng là rất rõ.

Thiếu nữ Mông trong trang phục dân tộc.
Thiếu nữ Mông trong trang phục dân tộc.

Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là phương tiện cấu thành và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét nhất. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các dân tộc thiểu số nước ta đã tạo dựng được những bộ trang phục mang nét riêng, đẹp, độc đáo, thấm nhuần giá trị văn hóa truyền thống của mỗi tộc người. Người phụ nữ Mông, Dao với bộ y phục sặc sỡ kết hợp với các hình thức trang trí kim loại nhằm tạo hiệu quả mầu sắc và âm thanh. Trang phục người Thái, Mường với những gam mầu nguyên bản có sự tương phản giữa mầu váy và áo. Trang phục người Tày, Nùng với gam mầu chàm thể hiện sự kín đáo, dịu dàng của người phụ nữ... Mầu sắc, kiểu dáng, hoa văn hay đồ trang sức cũng hết sức đa dạng, sinh động, phản ánh sâu sắc nhân sinh quan, thế giới quan về vũ trụ, vạn vật cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt của cộng đồng. Trang phục không chỉ là đồ mặc thông thường, ngày Tết, lễ hội, cưới xin mà còn mang tính thẩm mỹ độc đáo, đi sâu vào đời sống tâm linh của cộng đồng. Người dân tộc quan niệm khi chết phải mặc trang phục truyền thống thì tổ tiên mới nhận diện được con cháu, mới có thể nhận biết cội nguồn khi đã rời xa cuộc sống...

Cùng với sự thay đổi của điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, thời gian qua, trang phục truyền thống của các dân tộc đã có sự biến đổi nhanh chóng, nhiều tộc người không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục dân tộc mình, đặc biệt là những tộc người có số dân rất ít, những tộc người sinh sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao. Theo nghiên cứu, sưu tầm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong hai năm gần đây, có tới 40/54 dân tộc trên cả nước không mặc trang phục đúng như trang phục truyền thống của dân tộc mình. Thay vào đó là trang phục công nghiệp bằng sợi tổng hợp, ni-lông với nhiều chủng loại hoa văn được bán tràn ngập, giống nhau trên thị trường. Một số dân tộc, ngoại trừ người già mặc trang phục truyền thống, còn giới trẻ đều mặc sơ-mi, quần âu theo lối người Kinh. Nhiều dân tộc ở vùng giáp biên giới mua quần áo của các nước láng giềng, chủ yếu là Trung Quốc. Một số dân tộc có dân số dưới 1.000 người như Rơ Măm, Ơ Ðu, Thổ, Chứt... không thấy bóng dáng của trang phục truyền thống. Một số bộ trang phục truyền thống của các dân tộc còn giữ lại là do được chuẩn bị khi về già, do dự án hỗ trợ phát triển của Nhà nước phục chế hoặc phục vụ biểu diễn văn nghệ...

Trong số những nguyên nhân của sự biến đổi, mai một trang phục truyền thống, phải kể đến sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội. Khi nền kinh tế hàng hóa phát triển, đồng bào dân tộc có thể tự mua vải ở chợ về cắt may trang phục vừa rẻ, vừa thuận tiện, không tốn công sức như việc trồng bông, lanh, dâu tằm để tạo ra sợi dệt vải. Một thực tế nữa là do dân số tăng nên quỹ đất dành cho trồng cây nguyên liệu giảm, và quan trọng là không có cầu nên cung bị thu hẹp. So với con số hàng chục nghìn làng nghề dệt trước đây, hiện tại chỉ còn lại khoảng vài chục làng nghề, hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải như người Kinh ở Vạn Phúc (Hà Nội), người Mông ở Lùng Tám, người Chăm ở Mỹ Nghiệp - Ninh Thuận, người Pà Thẻn ở Quảng Bình, người Mường ở Tân Lạc, người Thái ở Mai Châu, người Tày, Nùng ở Hà Quảng, người Ê Ðê ở Ðác Lắc... Bên cạnh đó còn là sự thay đổi về thị hiếu thẩm mỹ. Giới trẻ ngày nay thích model (mốt), bởi kiểu dáng hiện đại làm tôn dáng dấp, vẻ đẹp trong khi trang phục truyền thống vừa dày, nặng, vừa không thuận tiện khi lao động. Tình trạng tiếp thu những ảnh hưởng ăn mặc của người Kinh, nhất là ở các vùng đô thị diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nặng về một chiều mang tính tiếp thu tiêu cực, tiếp thu nguyên xi khiến con người nảy sinh tư tưởng tự ti, coi thường những bản sắc truyền thống của mình. Một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số hiện nay có tâm lý mặc cảm khi sử dụng trang phục của dân tộc mình trong giao tiếp xã hội, quan niệm nếu mặc cái không phổ biến sẽ trở nên lạc lõng. Khi được hỏi, nhiều bạn trẻ dân tộc không ngại ngần bày tỏ: "Mặc trang phục truyền thống không được thoải mái và thuận tiện trong sinh hoạt, đặc biệt khi mặc trang phục của dân tộc mình ra ngoài đường hay bị mọi người nhìn với ánh mắt tò mò, làm như mình là người ngoài hành tinh vậy. Ngại lắm!".

Một thực tế cũng rất đáng chú ý là sự gần như hoàn toàn "biến mất" của trang phục nam giới dân tộc thiểu số. Lâu nay, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vốn tập trung chủ yếu và biểu hiện rõ nét ở giới nữ, những người trực tiếp làm ra và sử dụng. Còn trang phục nam giới thường rất đơn giản, mờ nhạt, không có gì đặc sắc. Chỉ một số dân tộc có trang phục tương đối rõ nét như ở Tây Nguyên có người Ê Ðê sử dụng khố và áo; phía bắc có người Mông với kiểu áo ngắn, bên trong mặc áo sáng mầu có hai mảng mầu rực rỡ ở hai cánh tay. Nhìn chung các dân tộc thường dùng chất liệu vải chàm, kiểu dáng na ná giống nhau, không có sự riêng biệt. Giờ đây, trang phục nam của dân tộc thiểu số càng có nguy cơ bị "xóa sổ".

Không phải đến bây giờ câu chuyện bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc thiểu số mới được đề cập, mà lâu nay nó luôn là vấn đề khiến những người làm công tác văn hóa cùng các cấp, ngành và cả xã hội phải quan tâm. Bởi tất cả chúng ta đều hiểu rõ một điều, trang phục không

chỉ đơn thuần là chuyện "mặc". Mới đây, tại một hội thảo lớn trong dịp Tuần lễ Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam, vấn đề này một lần nữa lại được đặt lên bàn của các nhà quản lý, nghiên cứu, thiết kế thời trang và cả người sử dụng. Một trong số những giải pháp đáng chú ý là việc cần khôi phục và nâng cao các lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; chú trọng xây dựng môi trường, bảo tồn không gian văn hóa để có điều kiện cho trang phục gìn giữ và phát huy vẻ đẹp truyền thống đặc sắc của mình. Gần đây, một số lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ít người có nguy cơ bị thất truyền, dần mai một làm suy giảm giá trị văn hóa của mỗi dân tộc. Không chỉ bị phá cách, trang phục truyền thống nhiều dân tộc thiểu số hiếm khi được trình diễn tại các lễ hội, thậm chí nhiều người không mặc trang phục của dân tộc mình khi tham gia lễ hội. Nhà nghiên cứu Vi Hồng Nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là người dân tộc Tày, quê gốc Lạng Sơn. Khi nghỉ hưu ông trở về quê hương thành lập Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, tập hợp được hơn 400 hội viên lập ra 50 CLB hát dân ca, hát then, đàn tính, hát sli...; tổ chức được hơn 40 lớp dạy và học hát dân ca với hơn 1.000 hội viên và nhiều cuộc giao lưu trong, ngoài tỉnh. Các hội viên tuy mỗi người mỗi điều kiện vẫn cố gắng tự may sắm trang phục dân tộc, mua nhạc cụ. Những ngày hội truyền thống đầu xuân như hội lùng tùng (xuống đồng), háng pò (chợ núi)... cả ngàn người mặc trang phục truyền thống dân tộc đi dự hội và hát dân ca ngay khuôn viên tượng đài Hoàng Văn Thụ bên sông Kỳ Cùng giữa thành phố Lạng Sơn hoặc nơi sườn đồi cạnh làng bản, hòa cùng thiên nhiên tươi đẹp...

Qua một số chuyến đi thực tế các vùng núi phía bắc thời gian gần đây, PGS, TS Ðoàn Thị Tình, người nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và thiết kế thời trang cho biết, bà đã tận mắt chứng kiến nhiều nơi người dân không còn đất để trồng lanh, trồng chàm, thậm chí thiếu cả chỗ để đặt khung cửi dệt vải. Vì thế, việc chú trọng đầu tư, khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số để đồng bào tham gia, quảng bá thu hút khách du lịch và tiêu thụ sản phẩm tại chỗ tạo thu nhập cho đồng bào là điều rất cần thiết. Chị Phùng Ký Mé, dân tộc La Hủ, tỉnh Lai Châu thật thà bộc bạch: "Ðể làm ra một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, chúng tôi phải mất bốn tháng trời cho tất cả các khâu từ trồng bông, trồng lanh, nhuộm, dệt vải, thêu thùa..., chưa tính đến chi phí tốn kém hơn so với mua vải hoặc quần áo may sẵn. Vì thế rất mong được Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có điều kiện làm nghề, tự may mặc để lưu giữ được trang phục truyền thống của dân tộc mình". Nhằm mục đích này, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có nhiều cố gắng để khôi phục, phát triển làng nghề dệt truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Ðiện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum... với một số hoạt động như mời nghệ nhân truyền dạy lại nghề cho chị em, trang bị thêm máy móc, áp dụng các phương pháp thêu hiện đại, thiết kế sản phẩm mới ngoài trang phục truyền thống đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Một số HTX thổ cẩm ra đời, tạo việc làm cho nhiều chị em với thu nhập ổn định như HTX thổ cẩm Tơng Bông, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðác Lắc, giải quyết việc làm cho gần 150 lao động nữ dân tộc thiểu số với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng; kết hợp Trường cao đẳng Thanh niên dân tộc Ðác Lắc, Trung tâm Khuyến công mở lớp dạy nghề nhằm duy trì, phát triển nghề truyền thống...

Và một điều hết sức quan trọng chính là ý thức của người dân, những chủ thể sáng tạo và sử dụng, với chính sản phẩm mình làm ra, với giá trị văn hóa của dân tộc mình. Do vậy cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để đồng bào hiểu và trân trọng, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng, từ đó có ý thức giữ gìn, tôn vinh, tự bảo tồn. Chính vì thế, vai trò của những người làm công tác văn hóa là hết sức cần thiết, từ đó đặt ra những yêu cầu về trình độ năng lực, về Tâm và Tầm trong công tác chuyên môn và quản lý để đáp ứng được nhu cầu của công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là hành trình không hề giản đơn. Bảo tồn tĩnh trong bảo tàng, thư viện đã khó, bảo tồn động trong cuộc sống hằng ngày trong xu thế phát triển càng khó hơn. Vì thế rất cần sự quan tâm, góp sức nỗ lực, khẩn trương của cả xã hội vì mục đích giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.

Nét độc đáo của trang phục dân tộc thiểu số ảnh 1

Phụ nữ dân tộc Dao trang trí văn hoa trên thổ cẩm.