Theo quan niệm dân gian của người Việt, khi trong gia đình có người được tuổi tròn (từ 70 tuổi trở lên), đầu xuân, con cháu cùng chính quyền địa phương được mừng thọ ông bà, cha mẹ. Lễ mừng 70 tuổi gọi là chúc thọ, 80 tuổi là thượng thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và 100 tuổi là bách tuế.
Lễ mừng thọ đầu năm ở làng biển Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã có từ ngàn đời nay và đó là phong tục không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, xuân về, thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo của con, cháu đối với ông bà, cha mẹ.
Việc mừng thọ ở Xuân Liên được tổ chức vào ngày mùng 5 tết Nguyên đán. Không khí xuân nhộn nhịp khắp các ngả đường ngõ xóm để chuẩn bị tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ tròn tuổi trong làng. Truyền thống tốt đẹp này mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về cách đối nhân xử thế, đồng thời phát huy vai trò “cây cao bóng cả”, cống hiến trí tuệ, truyền kinh nghiệm sống cho thế hệ trẻ. Và việc mừng thọ cũng không còn giới hạn trong quy mô gia đình, dòng họ mà được cả xã hội quan tâm.
Tại lễ mừng thọ, đại diện chính quyền xã Xuân Liên chúc mừng các cụ năm mới bình an, mạnh khỏe và tặng quà mừng thọ. Ở nhà văn hóa thôn, Hội người cao tuổi sẽ tiến hành trao quà và bằng khen cho các cụ. Trong buổi lễ, ông bà sẽ mặc trang phục trang trọng, thường là áo dài màu đỏ hoặc màu vàng tùy mức tuổi thọ.
Theo nghi lễ truyền thống, tranh mừng thọ không thể thiếu trong lễ mừng thọ, với ý nghĩa cầu mong cho ông bà năm mới mạnh khỏe, nhiều niềm vui, sống lâu trăm tuổi cùng con cháu. Không chỉ tổ chức nghi lễ mừng thọ ở nhà văn hóa, các gia đình còn tổ chức mừng thọ tại gia đình cho ông bà, bố mẹ. Các cụ được bố trí ngồi nơi trang trọng, con cháu lần lượt đến kính lễ cha mẹ, ông bà rồi đến tiệc mừng thọ bằng tất cả niềm tôn kính, hiếu thảo trước công lao sinh thành và dưỡng dục, chăm lo và dạy bảo theo suốt cuộc đời. Với các cụ già, những buổi sum vầy khi con cháu đông đủ, hòa thuận, hiếu thảo như vậy là món quà quý giá nhất đối với những người cao tuổi.
Quy mô lễ mừng thọ tùy theo điều kiện mỗi gia đình và độ tuổi của các cụ. Thông thường, gia đình có người tròn 80, 90 tuổi… quy mô tổ chức sẽ lớn hơn. Đặc biệt, cụ nào càng thượng thọ, con cháu đề huề và thành đạt, lễ mừng càng long trọng. Tuy nhiên, dẫu quy mô, hình thức có khác nhau ít nhiều, nhưng đều thể hiện được niềm vui của con cháu khi trong gia đình có người sống thọ.
Việc tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống ở làng quê miền biển. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ “Kính già, trọng lão”, “Uống nước nhớ nguồn” và động viên người cao tuổi sống vui, sống khỏe và có ích. Bên cạnh đó, truyền thống này cũng nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, trở thành nét văn hóa phong phú trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.