Nét đẹp học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tuổi trẻ cụm Ðồng bằng sông Hậu phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc qua việc thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Từ đó, phong trào học sinh, sinh viên vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tô thắm truyền thống tốt đẹp của thế hệ trẻ miền Tây Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và phổ thông trung học huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đọc sách tại thư viện trường. (Ảnh MINH KHỞI)
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và phổ thông trung học huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đọc sách tại thư viện trường. (Ảnh MINH KHỞI)

Mùa nào việc đó

Với chủ đề "San sẻ yêu thương", chương trình "Xuân tình nguyện" của tuổi trẻ tỉnh Sóc Trăng thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia từ nhiều ngày qua. Hai đảng viên trẻ Sơn Ngọc Thạch, Thạch Trúc Như là người dân tộc Khmer, sinh viên ưu tú của Trường cao đẳng Nghề tỉnh Sóc Trăng, tất bật chuẩn bị cho đợt hoạt động tình nguyện vùng nông thôn.

"Năm nay, phong trào thanh niên hướng về đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, hỗ trợ mọi người vui đón Tết Nguyên đán", em Sơn Ngọc Thạch cho biết.

Không chỉ là lớp trưởng, Bí thư Chi đoàn gương mẫu, cả Trúc Như và Ngọc Thạch luôn siêng năng, cần cù trong việc học, chủ động giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ, từ đó nhận được sự yêu mến của bạn bè và thầy, cô giáo. Các em luôn có mặt trong các hoạt động tình nguyện Chiến dịch Mùa hè xanh; chương trình trải nghiệm "Học kỳ quân đội"; hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, an sinh xã hội; hiến máu tình nguyện; là thành viên các câu lạc bộ: Lý luận trẻ, bóng đá, bóng chuyền; thành viên đội văn nghệ, đội tự quản ký túc xá của trường.

Tại Trường đại học Trà Vinh, hằng năm, các thành viên Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện của trường hưởng ứng từ ba đến bốn đợt hiến máu tình nguyện do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động, với hơn 1.000 đơn vị máu.

Qua hơn 15 năm hiến máu cứu người, câu lạc bộ đã vận động hơn 15 nghìn lượt cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia hiến máu, góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào hiến máu tình nguyện trong cộng đồng và xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kiên Hương Thảo Ly, sinh viên năm thứ ba, ngành y khoa, quê ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết, ngoài ba lần hiến máu tình nguyện, em tích cực vận động người thân, các bạn sinh viên cùng trường trực tiếp hiến máu cho bệnh nhân đang cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh, giúp nhiều bệnh nhân giành lại sự sống...

Từ năm học 2021-2022 đến nay, trong tiết sinh hoạt dưới cờ thứ hai hằng tuần của Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và phổ thông trung học huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, đại diện học sinh mỗi lớp học luân phiên kể một câu chuyện về Bác Hồ.

Học tập từ những việc làm của Bác trong cuộc sống hằng ngày giúp học sinh chăm ngoan, biết vượt khó vươn lên và giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện để cùng tiến bộ. Nhờ vậy, trong các năm học qua, tỷ lệ học sinh của trường có hạnh kiểm khá, tốt đạt hơn 90%; tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi đạt hơn 80%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100%.

Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng Triệu Thị Ngọc Diễm cho biết, trong học kỳ I, năm học 2024-2025, công tác đoàn-đội và phong trào thanh, thiếu nhi trường học đạt nhiều kết quả nổi bật. Qua đó, tỉnh đã tổ chức tuyên dương 110 cá nhân "Nhà giáo trẻ tiêu biểu", "Sinh viên 5 tốt", "Học sinh 3 rèn luyện", "Học sinh 3 tốt" cấp tỉnh, trong đó có bốn cá nhân được Trung ương tuyên dương danh hiệu "Học sinh 3 rèn luyện".

Ðặc biệt, tuổi trẻ học đường Sóc Trăng đã thực hiện có hiệu quả cuộc vận động hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số như cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu", hỗ trợ hơn 34.300 em thiếu nhi, với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng nhân dịp Tết Trung thu. Các học sinh, sinh viên còn tổ chức cho thiếu nhi tham gia các hoạt động như: "Ðền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, có công với cách mạng…

Hỗ trợ lập thân, khởi nghiệp

Ðến nay, Trường đại học Trà Vinh đã biên soạn 11 quyển sách phục vụ quá trình đào tạo kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho sinh viên; truyền cảm hứng cho hơn 127 nghìn lượt sinh viên, hình thành 550 ý tưởng, hơn 60 dự án khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Tỉnh Trà Vinh đã phân bổ hơn 13 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp; truyền cảm hứng khởi nghiệp trong cộng đồng, với hơn 129 nghìn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sinh viên, học sinh với hơn 11 nghìn lượt ý tưởng, dự án.

Ý tưởng "Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm" của nhóm sinh viên Trường đại học Trà Vinh vừa đoạt giải nhất cuộc thi "Sáng tạo xanh-sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời; tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật", do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức vào tháng 11/2024.

Trưởng nhóm Sơn Trần Minh Mẫn cho biết, khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, tình trạng nông dân đốt rơm sau thu hoạch lúa vẫn còn khá phổ biến, gây ô nhiễm môi trường. Dự án sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm là giải pháp sáng tạo nhằm giảm phụ thuộc vào gỗ tự nhiên và tận dụng nguồn sản phẩm rơm nông nghiệp hiệu quả.

Xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có hơn 62% dân số là đồng bào Khmer. Mô hình tưới ngập-khô xen kẽ cho cây lúa được hỗ trợ kỹ thuật từ các giảng viên và sinh viên được nhân rộng, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp của xã đạt hơn 121 triệu đồng; tỷ lệ hộ cận nghèo còn hơn 1%.

Nông dân Thạch Rene, ấp Cầu Tre, xã Phú Cần chia sẻ: "Gia đình tôi hiện đã nắm vững kỹ thuật, áp dụng mô hình ngập-khô xen kẽ kết hợp với công nghệ IoT trên diện tích 1 ha lúa. Ruộng lúa của gia đình giảm bơm nước từ tám lần xuống còn bốn lần/vụ; cây lúa phát triển khỏe mạnh, năng suất vụ hè thu đạt sáu tấn/ha, vụ đông xuân thì tám tấn/ha".

Tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp, Nguyễn Tấn Trạng trở về quê ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng lập nghiệp. Với tinh thần chịu khó, nhạy bén trong công việc, Trạng tham gia các buổi chuyển giao khoa học-kỹ thuật tại địa phương, giúp anh có nhiều ý tưởng hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Qua nhiều lần khởi nghiệp, mô hình nuôi lươn không bùn của Trạng đã thành công. Từ năm 2022 đến nay, Trạng đưa ra thị trường hơn 2 tấn lươn thịt và hơn 1 tấn lươn giống, hỗ trợ cho hơn 20 bạn đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số về kỹ thuật nuôi lươn không bùn hiệu quả.

Chủ tịch Hội đồng Ðội tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Quốc Quy cho biết, theo nguyện vọng và nhu cầu của thanh niên, đội hình trí thức trẻ tình nguyện cấp tỉnh đã tổ chức chuyển giao khoa học-kỹ thuật trồng nấm bào ngư trên mùn cưa cho đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Mô hình với diện tích 50 m2 trồng 4.000 bịch phôi nấm cho sản lượng bình quân từ 1.600 đến 2.000 kg nấm, khả năng cho thu hoạch thường xuyên mỗi ngày từ 15 đến 20 kg nấm, kéo dài từ bốn đến năm tháng, bảo đảm cho người nông dân có thu nhập thường xuyên, phục vụ tái sản xuất và bảo đảm chi phí sinh hoạt gia đình. Với giá thị trường 20 nghìn đồng/kg, nông dân đạt doanh thu gần 35 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi mô hình giúp người nông dân thu lãi từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Theo Trung ương Ðoàn, trong năm 2024, công tác tuyên truyền, giáo dục được các tỉnh, thành đoàn trong cụm Ðồng bằng sông Hậu triển khai với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo. Với chủ đề "Năm Thanh niên tình nguyện", các đợt cao điểm như "Tháng Thanh niên", "Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè", "Chiến dịch Xuân tình nguyện" đã thu hút hàng nghìn đoàn viên tham gia, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo đảm an sinh xã hội.

Qua các phong trào, tuổi trẻ vùng Tây Nam Bộ đã làm đẹp thêm truyền thống học sinh, sinh viên trong cộng đồng, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số...