Ngày 19-8-1945, một ngày chủ nhật nắng đẹp, cả thành phố Hà Nội vùng dậy xuống đường dưới rừng cờ đỏ sao vàng, kéo nhau đi như dòng thác lũ, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, hát vang những bài ca hùng tráng. Người thanh niên 22 tuổi Xuân Oanh, xuất thân từ một gia đình lao động nghèo khổ, yêu âm nhạc, cũng đi trong dòng người ấy, vừa đi vừa nghĩ ra những câu hát, nghĩ được câu nào anh dạy luôn cho những người đi trong đoàn biểu tình cùng hát. Cứ thế, từng câu, từng câu, cho tới khi đặt chân tới Quảng trường Nhà hát Lớn thì bài hát đã hoàn thành. Ðó là bài 19 tháng 8.
Cùng với những bài hát Cùng nhau đi hồng binh, Tam Bình, Cờ Việt Minh của các anh Ðinh Nhu, Trần Văn Úc, Vương Gia Khương, rồi Tiến quân ca, Diệt phát-xít, Du kích ca... của các anh Văn Cao, Nguyễn Ðình Thi, Ðỗ Nhuận sáng tác những năm tháng trước đó, các anh đã là những người đi đầu trong dòng ca khúc cách mạng, một dòng nhạc đang tiếp tục tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Cách mạng Tháng Tám đã đem lại một cuộc đời mới cho cả dân tộc, trong đó có những người sáng tác âm nhạc, và không khí, khí thế của cách mạng đã soi rọi vào tâm hồn, làm bừng lên trong tâm trí của những người sáng tạo những tình cảm mới, cuốn hút họ đi theo cách mạng, trở thành một lớp người mới, lớp văn nghệ sĩ mới, được Ðảng giác ngộ, dìu dắt, đi theo Ðảng trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình.
Những thành tựu trong văn học - nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng suốt mấy chục năm qua, nhất là trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chính là những cống hiến xuất sắc của những lớp văn nghệ sĩ mới ấy. Trong cuộc chiến đấu anh hùng bất khuất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng, âm nhạc Việt Nam có được đối tượng xứng đáng để miêu tả, ngợi ca. Từ đây ra đời những bài hát, tác phẩm hay, sống mãi trong lòng nhân dân, như các bài hát thời kháng chiến chống thực dân Pháp Ngày về, Trường chinh ca, Lô Giang (Lương Ngọc Trác), Người Hà Nội (Nguyễn Ðình Thi), Chiến sĩ sông Lô (Nguyễn Ðình Phúc), Lá xanh, Lên ngàn (Hoàng Việt), Áo mùa đông, Du kích sông Thao, Chiến thắng Ðiện Biên (Ðỗ Nhuận), Làng tôi, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Sông Lô, Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Tiếng chuông nhà thờ (Nguyễn Xuân Khoát), Quê em (Nguyễn Ðức Toàn), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Bộ đội về làng (Lê Yên)...
Ðến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sáng tác âm nhạc cách mạng còn phát triển mạnh hơn nữa, với đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm nhiều hơn, khó có thể liệt kê ra hết, với trình độ kỹ thuật, "tay nghề" cao hơn.
Trong thời kỳ mới của đất nước, chúng ta có đầy đủ căn cứ để tin rằng sẽ xuất hiện những tài năng, làm rạng rỡ thêm cho nền văn nghệ dân tộc. Lực lượng trẻ sinh ra và lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ là đội ngũ văn nghệ tương lai đầy hứa hẹn của nước ta. Cho nên việc bồi dưỡng lực lượng trẻ phải là trọng tâm trong công tác văn nghệ. Bởi lẽ cho dù đã có những thành tựu đáng kể của một số người sáng tác trẻ ở độ tuổi ba, bốn mươi trở xuống, dựa trên cơ sở khai thác, tiếp thu truyền thống âm nhạc dân gian và bác học - cổ truyền của dân tộc, tiếp thu và phát triển sáng tạo nguồn âm nhạc bình dân của các nước Âu - Mỹ, thường được gọi là nhạc pop - rock, qua đó làm tươi mới thêm ngôn ngữ âm nhạc trong ca khúc Việt Nam, nhưng những năm gần đây có những biểu hiện đáng phải quan tâm, cũng trong lớp sáng tác trẻ, nhất là trong cái gọi là nhạc trẻ: một thời rộ lên những ca khúc mang nặng mầu sắc ủy mị, bi quan, thậm chí đau khổ hoặc yêu thương một cách giả dối, được gọi là não tình, tình vờ. Chủ đề, đề tài thường chỉ bó hẹp trong những tình yêu anh và em, loanh quanh trong những thương và nhớ, những dằn vặt vì yêu. Vẫn biết tình yêu đôi lứa là muôn thuở, nhưng đề cập một cách nhàm chán, tầm thường, mờ nhạt cả về âm nhạc lẫn lời ca, hóa ra lại là hạ thấp tình yêu. Cũng là tình yêu đôi lứa nhưng công chúng vẫn muốn người sáng tác vươn lên khiến cho tác phẩm của họ thanh cao, rộng lớn, gắn bó với cuộc sống hiện tại hơn, chớ nên quá nhỏ bé, cô đơn, quẩn quanh, tù túng. Lớp trẻ của chúng ta ngày nay thật thông minh, đáng yêu, có tri thức, và khi cần vẫn hăng hái đi theo tiếng gọi của Ðảng hoàn thành tốt những nhiệm vụ được trao. Thanh niên của chúng ta xứng đáng và cần được nghe và hát những bài hát sôi nổi, tràn đầy khí thế thanh cao mà vẫn trữ tình, phơi phới như một thời lớp chúng tôi vẫn nghe và vẫn hát. Nhưng không thể chỉ hát lại những bài hát thời trước mà cha anh họ viết khi còn trẻ, vì thời đại nào cũng cần có những bài hát của chính thời đại ấy. Viết những bài hát mới, đúng với tinh thần của thời đại, chủ yếu dựa vào lớp sáng tác trẻ có tài năng. Tiếc rằng, một số người sáng tác trẻ chưa gánh lấy trách nhiệm này, mà đang chạy theo nhu cầu của một thị trường âm nhạc với nhiều sở thích thẩm mỹ đáng phải được hướng dẫn.
Trong mỗi bước đi lên của âm nhạc nước ta, âm nhạc, bên cạnh những đề tài quen gọi là "đời thường", cần có những tác phẩm có vóc dáng, tầm cỡ của thời đại, phản ánh sâu sắc những khát vọng lớn của con người và dân tộc Việt Nam, những khát vọng mà cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã mở ra một triển vọng phát triển cực kỳ huy hoàng và rực rỡ.