Theo bệnh viện, qua áp dụng kỹ thuật cho nhiều người bệnh, đều nhận thấy kết quả điều trị ban đầu rất khả quan khi tỷ lệ thành công cao và không có trường hợp nào để lại tai biến biến chứng. Thời gian mổ trung bình 60-80 phút khi nạo hạch chậu và ngày càng được rút ngắn. Có 70% trường hợp kết quả thử có tế bào ung thư trong hạch chậu được nạo này.
Tại họp báo, BV ĐHYD cho hay người bệnh nữ Đào Thị T. (46 tuổi, ngụ Tiền Giang) đã được mổ ung thư trực tràng hai năm. Lần tái khám gần đây đã phát hiện khối hạch di căn rất lớn (50mm) ở vùng chậu bên trái. Trên phim chụp cũ của người bệnh đã có hạch chậu 8mm và không được phẫu thuật.
Bình thường, trường hợp này sẽ được chỉ định hóa trị tiếp nhưng cơ may triệt để là không còn. Tuy nhiên, ê-kíp bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa quyết định phẫu thuật nội soi nạo hạch chậu bên trái cho người bệnh, giúp lấy trọn các tế bào ung thư còn sót lại. Người bệnh có thêm một cơ hội điều trị triệt để.
Trường hợp khác, người bệnh Trịnh Trung H., (37 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) phát hiện ung thư trực tràng với khối u tuy rất nhỏ (dưới 1cm) nhưng đã di căn hạch chậu trái (hai khối 25-30mm).
Sau khi hội chẩn ung thư, ê-kíp bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa quyết định cắt u trực tràng kèm nạo hạch chậu trái cho người bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, có tế bào ung thư di căn đến hạch chậu này. Và kỹ thuật nạo hạch chậu đã giúp gia tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh lý thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao trên thế giới, chiếm 9% tần suất các loại ung thư. Ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng trong top 5 bệnh ung thư thường gặp. Theo một nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh, tần suất ung thư đại trực tràng 14,8/100.000 dân ở nam và tần suất này ở nữ là 10/100.000 dân.
Hiện, Việt Nam chưa từng áp dụng kỹ thuật này trong điều trị ung thư trực tràng ngoại trừ BV ĐHYD áp dụng từ đầu năm 2017.