Nặng tình bánh đúc, bánh hòn Phú Hạnh

Bao đời nay, làng Phú Hạnh (xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) nức tiếng gần xa với các loại bánh đúc, bánh hòn, bánh tẻ, bánh giầy. Bánh quê đã trở thành sản phẩm gắn kết cộng đồng, thành nỗi nhớ của người đi xa.
0:00 / 0:00
0:00
Bánh đúc làng Phú Hạnh.
Bánh đúc làng Phú Hạnh.

Làng Phú Hạnh nằm sát với đê tả sông Hồng, vốn là một làng chài, xưa gọi là Vạn Chài, Vạn Hạnh. Ngày sông Hồng chưa có đê, cứ mùa mưa nước từ thượng nguồn đổ về ngập mênh mông. Dân làng nhiều đời bám sông mà sống, vừa đánh cá, vừa bán cháo trên sông. Nhiều lúc sóng to gió lớn, cháo bị đổ hết. Vì thế họ mới nảy ra cách làm bánh đúc và bánh hòn tai, vừa ngon lại vừa dễ chuyên chở. Thuyền có tròng trành cũng không bị đổ. Nghề làm bánh của làng Phú Hạnh được truyền từ đời này sang đời khác, thành những sản phẩm nổi tiếng trong vùng với hương vị đặc trưng.

Cụ Nguyễn Thị Thật năm nay 75 tuổi, gắn bó với nghề làm bánh từ hồi trẻ, kể: Tôi về làm dâu làng Phú Hạnh từ lúc 18 tuổi, được cụ nội của chồng truyền cho nghề làm bánh và vẫn theo nghề cho đến nay. Lúc đổ bánh đúc các cụ nhà tôi vẫn hay nói “thuận anh anh bán, thuận nàng nàng mua”. Làm bánh đúc phải ngâm gạo từ hôm trước. Để có mẻ bánh đúc giòn, không bị nồng bị bở thì phải kỹ lưỡng từ khâu chọn gạo, đánh nước vôi (hòa nước vôi) phải vừa vặn, nhạt vôi hay mặn vôi đều làm hỏng mẻ bánh. Phải biết cách quấy sao cho dai bánh, khi trút ra phải đợi bánh lên da (bánh cô đặc lại) thì mới cắt được.

Theo các cụ trong làng, bánh đúc ngon phải mềm và mát, giòn sần sật, bề mặt bánh mịn, mỏng và bóng, có mầu xanh nõn chuối tự nhiên. Bánh đúc thường được chấm với tương và đây cũng là loại tương đặc biệt do người làng tự làm, rất cầu kỳ. Nếu không có tương thì chấm với nước mắm chanh ớt, mắm tôm riu hay chan với canh cua đồng.

Làng Phú Hạnh còn nổi tiếng với bánh hòn béo ngậy, ăn dai sần sật mà không sử dụng hàn the. Nguyên liệu làm bánh là gạo tẻ, nhân bánh làm từ thịt lợn, hành lá, lạc rang, mộc nhĩ. Gần đây bánh giầy của làng cũng được nhiều người biết đến. Bánh giầy Phú Hạnh đặc trưng là có nhân đỗ xanh, nhân vừng, lạc, cũng được xếp vào món chính trong mâm cỗ ở địa phương.

Vì nổi tiếng như thế, bánh đúc, bánh hòn làng Phú Hạnh được người dân tứ phương đặt mua để làm cỗ. Người trong tỉnh đặt rất nhiều, ngoài tỉnh như Hà Nội, Phú Thọ cũng đặt bánh làm cỗ cưới, hội làng. Có lúc khách đặt hàng nhiều, bà con trong làng xúm vào làm mới kịp. Được cái nhà nào trong làng cũng biết làm bánh. Còn làm bánh chuyên nghiệp để bán thì có khoảng chục hộ, đưa ra thị trường đủ các loại bánh chưng, bánh tẻ, bánh đúc, bánh hòn, bánh gai, bánh giầy. Bánh của làng Phú Hạnh được đưa vào các buổi tiệc chiêu đãi khách đến thăm và làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được nhiều lời khen ngợi.

Phú Hạnh giờ là thôn nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Vĩnh Tường. Đường làng trải nhựa, hai bên trồng hoa, vẽ tranh, sạch sẽ ngăn nắp. Các hồ nước xây tường bao bằng đá hoặc làm bằng inox, trồng hoa sen, hoa súng. Cảnh làng đẹp như vẽ. Môi trường sống trong lành, đời sống nhân dân ấm no đúng như cái tên làng Phú Hạnh. Bởi vậy, người làng dẫu có đi làm ăn xa nhưng luôn gắn bó với quê hương, chỉ mong về thăm quê. Trong làng có đình cổ, chùa cổ mới được trùng tu xây dựng lại khang trang, kinh phí hết cả chục tỷ đồng đều do người dân đóng góp. Hằng năm có tiệc làng vào tháng 10 âm lịch, con cháu đi làm ăn xa đều về dự. Hàng trăm mâm cỗ chỉ hô một tiếng là con cháu đóng góp ngay.

Đồng chí Lê Thị Múi, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Tiệc làng được tổ chức tại đình làng. Đình Phú Hạnh thờ thành hoàng là Hoàng tử Lý Nhã Lang, con trai của Lý Phật Tử. Mỗi dịp lễ thánh, lễ tế bao giờ cũng có thủ lợn và bánh giầy trắng, không có nhân, hình tròn tượng trưng “trời tròn, đất vuông”. Còn bình thường, người dân làm bánh giầy có nhân mặn hoặc ngọt, có mầu sắc.

Giờ Phú Hạnh là khu dân cư hiện đại, nhà tầng san sát, nhưng nét quê hương đậm đà, truyền thống làm bánh của tổ tiên vẫn được gìn giữ, lưu truyền. Người làng dù đi đâu vẫn nhớ vị thơm thảo của các loại bánh, mong tìm về với nguồn cội yên bình, với tuổi thơ ngọt ngào thơm thảo hương vị bánh đúc, bánh hòn.