Nâng tầm sản phẩm thủ công truyền thống

Các phố nghề thủ công mỹ nghệ vốn là đặc trưng của văn hóa Thăng Long-Kẻ Chợ. Song hiện nay, sản phẩm thủ công truyền thống tại nhiều con phố cổ đang bị thu hẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu với các em nhỏ về quy trình làm ra sản phẩm gốm Bát Tràng.
Giới thiệu với các em nhỏ về quy trình làm ra sản phẩm gốm Bát Tràng.

Trong khi nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ gặp khó khăn do thiếu những sản phẩm tạo nên sức hút, thiếu chiến lược tiếp cận thị trường. Đó là lý do cần những bước đột phá, đặc biệt là cần có sự kết nối giữa nghệ nhân làng nghề, phố nghề với cộng đồng thiết kế sáng tạo.

Hà Nội xưa có đặc trưng là những “phố Hàng”. Những con phố này sản xuất, kinh doanh những mặt hàng nhất định, trong đó có nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ và tạo nên bản sắc văn hóa của đất kinh kỳ Kẻ Chợ. Hiện nay, dù đã bị mai một, nhưng vẫn còn nhiều con phố mang đặc trưng xưa, thí dụ phố Hàng Bạc chuyên nghề kim hoàn, phố Hàng Mã kinh doanh đồ mã và đồ chơi thủ công, phố Hàng Gai chuyên các mặt hàng tơ lụa...

Chưa kể, hàng loạt cửa hàng chuyên doanh đồ thủ công mỹ nghệ nằm rải rác trên các tuyến phố khác. Các con phố này không chỉ tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mà còn tạo nên điểm nhấn thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động của một số tuyến phố kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ tại khu phố cổ gặp nhiều khó khăn.

Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm, Đoàn Quang Cường cho biết: “Hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ thu hẹp trên nhiều tuyến phố. Số cửa hàng kinh doanh kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã giảm từ 90 xuống còn 40 cửa hàng; cửa hàng làm nghề thuốc truyền thống trên phố Lãn Ông giảm từ 85 xuống 35 cửa hàng, và cửa hàng kinh doanh tơ lụa trên phố Hàng Gai giảm từ 91 cửa hàng xuống còn 40 cửa hàng. Dòng tranh dân gian Hàng Trống chỉ còn một hộ gia đình giữ nghề ở phố cổ”.

Đối với khối làng nghề, Hà Nội có những làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng, đem lại doanh thu cao như: Gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, mỹ nghệ Sơn Đồng, gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm, lụa Hà Đông... Hầu hết các làng nghề đều gặp khó khăn do thiếu các sản phẩm có bàn tay thiết kế, chất lượng có thể chinh phục người dùng; mà phải gia công cho nước ngoài, thí dụ như nhiều cơ sở sản xuất ở làng gốm Bát Tràng.

Trong khi đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi nhiều mặt hàng đến từ các nước trong khu vực. Nhiều cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ tại phố cổ Hà Nội “ưu ái” sản phẩm thủ công nước ngoài hơn là sản phẩm từ các làng nghề Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Hà Nội đang phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, thủ công mỹ nghệ là một trong những lĩnh vực được xem là có thế mạnh. Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thủ công mỹ nghệ làng nghề, phố nghề Hà Nội là nội dung được đặt ra tại Tọa đàm do Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức.

Đề xuất giải pháp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đại diện Thương hiệu “Hanoia” Đinh Công Tài gợi ý xây dựng phố cổ Hà Nội trở thành “làng nghệ thuật truyền thống”, liên kết chuỗi các làng nghề, hộ kinh doanh..., tạo nên một không gian văn hóa và nghệ thuật làng nghề trải dài các mô hình trải nghiệm, từ “gallery” nghệ thuật, không gian cà-phê, mua sắm đến thử nghiệm sáng tạo dựa trên những chất liệu truyền thống...

Hiện nay, vẫn còn một “khoảng cách” lớn giữa sản phẩm thủ công truyền thống với nhu cầu của thị trường. Theo Giám đốc sáng tạo Thương hiệu “Tired city” Nguyễn Việt Nam, cần đặt khách hàng làm trung tâm trong việc phát triển và gìn giữ sản phẩm thủ công truyền thống, từ đó quan tâm tới nhu cầu của khách hàng khi tiếp cận một sản phẩm văn hóa.

Chẳng hạn như, phải xác định rõ sản phẩm dùng làm gì, dành tặng ai, có phù hợp không, mang về thế nào, sử dụng, bảo quản ra sao và đặc biệt là câu chuyện phía sau sản phẩm chứa đựng giá trị, niềm tự hào về văn hóa dân tộc. Nhà thiết kế Nguyễn Khánh Huyền (Dự án Họa sắc Việt, dự án đã khai thác tranh Hàng Trống vào trang trí mỹ thuật đương đại) thì cho rằng, để khai thác tiềm năng ứng dụng nghệ thuật truyền thống lên thiết kế hiện đại chính là kết nối với các nhà thiết kế trẻ, có tư duy thẩm mỹ, phong cách đương đại, nhằm tạo nên những tác phẩm hòa quyện tinh hoa truyền thống với nghệ thuật đương đại.

Từ kinh nghiệm của mình, nghệ nhân, họa sĩ Nam Chi, người thành công với nhiều mẫu tranh Hàng Trống mới cũng đề xuất: “Tranh Hàng Trống nếu chỉ tồn tại với những mẫu truyền thống thì chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vì thế cần có một số đổi mới như là đưa yếu tố lịch sử, yếu tố bản địa vào bức tranh để có sự sáng tạo và những kỹ thuật có thể nâng tầm hơn như kỹ thuật nghiền vàng, dát vàng lên tranh Hàng Trống để tiếp cận với thị trường nhiều hơn”.

Hiện nay, Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới những Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế. Đồng thời, thành phố cũng tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó thủ công mỹ nghệ là lĩnh vực thành phố có thế mạnh. Phát triển thủ công mỹ nghệ là cần thiết. Song, nhiều đại biểu đều thống nhất không thể giữ nguyên những yếu tố truyền thống, mà cần coi đó là nền tảng, từ đó, đưa những sáng tạo có hơi thở đương đại, lấy sáng tạo làm động lực chính để sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể thích ứng với nhu cầu thị trường.