Nâng tầm sản phẩm OCOP

Tính đến hết năm 2021, thành phố Hà Nội đã công nhận 1.650 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao, trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP. Việc sở hữu nhiều sản phẩm OCOP được xem là một lợi thế để kinh tế tập thể phát triển, nhưng cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều thách thức về quản lý, phát triển bền vững, nâng tầm sản phẩm OCOP.
0:00 / 0:00
0:00
Gian hàng OCOP của tỉnh Quảng Nam tại hội chợ diễn ra tại TP Hà Nội.
Gian hàng OCOP của tỉnh Quảng Nam tại hội chợ diễn ra tại TP Hà Nội.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang tập trung đầu tư, phát triển chương trình OCOP gắn với hai mục tiêu cốt lõi là xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện chương trình OCOP đến từng chủ thể. Bên cạnh đó, thành phố cũng hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ, để tăng cường sức mạnh cho sản phẩm OCOP, Hà Nội chủ trương hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; ít nhất 50% chủ thể OCOP được tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.

Theo Giám đốc Công ty miến Dương Kiên (huyện Quốc Oai) Dương Đình Khôi, sau khi đạt các điều kiện để đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao, sản lượng và doanh thu của doanh nghiệp đều tăng mạnh. Hiện sản phẩm miến Dương Kiên đã có mặt tại một số siêu thị ở Nhật Bản.

Năm 2022, theo kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ đánh giá, xếp hạng cho khoảng 400 sản phẩm, nhưng hiện đã có tới 488 sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng. Con số này cho thấy chương trình OCOP đã lan tỏa đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thành phố Hà Nội sẽ thúc đẩy việc đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, sàn giao dịch điện tử, bán hàng online…, qua đó giúp người tiêu dùng nhận biết và tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác; đồng thời, tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU…

Chương trình OCOP đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương thông qua các sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thành phố sẽ thực hiện ba nhóm giải pháp gồm: tiếp tục hỗ trợ đa dạng hóa sản phẩm; tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP; đồng thời giám sát chặt chất lượng từng sản phẩm. Thành phố cũng sẽ tiếp tục đào tạo, tập huấn cho chủ thể và cán bộ trực tiếp tham gia triển khai chương trình.

Đẩy mạnh quảng bá, giao thương sản phẩm OCOP

Sở hữu nhiều sản phẩm OCOP được xem là một lợi thế, nhưng cũng đặt ra cho thành phố không ít thách thức trong khâu tiêu thụ các sản phẩm. Vì vậy, để hỗ trợ sản phẩm OCOP, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch… ở quy mô cấp thành phố và cấp quốc gia. Một mặt giúp đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, mặt khác kích thích sản xuất, tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn. Mới đây, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình hội chợ “Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2022” tại tỉnh Đồng Tháp; tham gia chương trình “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” tại tỉnh Sơn La…

Ngoài việc tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết sản xuất, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá sản phẩm, thành phố Hà Nội còn là điểm đến của các hội chợ thương mại. Theo ông Lê Hồng Thái, đại diện Công ty TNHH gốm mỹ nghệ Hồng Phúc (tỉnh Quảng Nam), việc tham gia các hội chợ thương mại tại Hà Nội chính là cơ hội để công ty tìm kiếm thêm được nhiều thị trường, đại lý; đồng thời, có thể bán được khoảng 50 đến 60% hàng mang theo.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội còn đẩy mạnh kết nối giao thương, hỗ trợ chủ thể OCOP phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu thông qua chính sách hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem, nhãn sản phẩm OCOP. Đây là việc làm hết sức cần thiết được thành phố thực hiện công khai, hiệu quả trong năm 2021 và sẽ được duy trì xuyên suốt trong năm 2022.

Từ sự hỗ trợ của chính quyền thông qua xây dựng sản phẩm OCOP, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã đã đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cải tiến mẫu mã, bao bì..., tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát huy giá trị các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Những kết quả đạt được đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của thành phố sớm về đích.

Tuy nhiên, để chương trình OCOP phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến chương trình OCOP; đồng thời, gắn với công tác đào tạo, tập huấn và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó là hỗ trợ giới thiệu và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các điểm du lịch...