Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp khẳng định, thời gian qua, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch, giúp ngành du lịch phát triển bền vững. Chương trình đã tạo cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch.
![]() |
Giới thiệu các sản phẩm du lịch trong khuôn khổ hội nghị. |
“Hợp tác và liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương nhằm khai thác lợi thế tiềm năng, đưa ngành du lịch phát triển trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi, chia sẻ với mục tiêu đưa hoạt động liên kết phát triển du lịch trong năm 2025 phát triển ngày càng bền vững” - đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp kỳ vọng.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu thông tin, năm 2024, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng. Tiêu biểu như đã công bố 55 tuyến du lịch đường sông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long Trong năm có hơn 2,7 triệu lượt khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
![]() |
Triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch năm 2025. |
Năm 2025, nhiều chương trình sẽ được triển khai. Đó là: Công bố “Đề án phát triển sản phẩm du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long”; Chương trình du lịch về nguồn gắn với giá trị lịch sử vùng biên giới của tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang; quảng bá du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tại các tỉnh miền Trung; quảng bá điểm đến du lịch trên nền tảng ứng dụng bản đồ thông minh 3D của Thành phố Hồ Chí Minh.
Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng và nguồn nhân lực du lịch tại các điểm đến gắn với du lịch đường thủy tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, nâng cao kỹ năng phát triển, quản lý điểm đến, phục vụ khách du lịch, quảng bá, xúc tiến, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển du lịch.
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều lượt ý kiến thảo luận, đề xuất về kết nối du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2025.
![]() |
Thỏa thuận hợp tác của các doanh nghiệp du lịch-lữ hành với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tại Sóc Trăng. |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Cần Thơ Đào Thị Thanh Thúy cho rằng, thời gian tới, cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch từng vùng, xây dựng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Kết nối với các quốc gia trong tiểu vùng sông Mê-Kông để mở rộng phát triển tuyến du lịch đường sông, chủ yếu với Thái Lan và Campuchia.

Báo Nhân Dân triển khai Dự án “Yêu lắm Việt Nam” tại Quảng Nam
Hội nghị thống nhất đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tích cực phối hợp triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển du lịch vùng như: hạ tầng giao thông, xúc tiến đầu tư, giao thương dịch vụ…
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức đã phát động Chương trình hành động về du lịch xanh, bền vững thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long “Du lịch bền vững và mục tiêu Net Zero”; trao 26 bản ký kết thỏa thuận hợp tác của các doanh nghiệp du lịch-lữ hành với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tại Sóc Trăng để làm cơ sở triển khai trong năm 2025 và những năm tiếp theo.