Ngay phần mở đầu báo cáo đánh giá tổng kết giải thưởng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương đã thẳng thắn nhận định, nếu ví toàn bộ mọi hoạt động văn học như một cái cây, thì hiển nhiên các sáng tác sẽ là hoa trái của cây đó. Và phải chấp nhận thêm một hiển nhiên nữa, đấy là: chất lượng cùng với số lượng hoa trái trên cây luôn thăng giáng, đầy vơi rất khó đoán định theo sức vóc của từng mùa và từng năm. Năm 2022, Ban Sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam nhận được 161 tác phẩm gửi tới đề cử tham dự. Trong đó, văn xuôi có 50 tác phẩm, thơ 61 tác phẩm, văn học dịch 19 tác phẩm, văn học thiếu nhi 17 tác phẩm và lý luận phê bình 14 công trình. So với năm 2021, số lượng đề cử giảm đáng kể (55 đầu tác phẩm), tập trung ở hai chuyên ngành thơ và văn xuôi. Kết quả, Giải thưởng Văn học năm 2022 được trao cho năm tác phẩm: Tiểu thuyết "Bửu Sơn Kỳ Hương" của Lý Lan (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh); các tập thơ: "Ngàn bài thơ khác" của Trần Lê Khánh (NXB Hội Nhà văn) và "Bóng của ý nghĩ" của Nguyễn Bảo Chân (NXB Thế giới); Tiểu thuyết "Hiệp sĩ thánh chiến" do Nguyễn Hữu Dũng dịch từ tác phẩm của tác giả Ba Lan Henryk Sienkiewicz (NXB Văn học); Văn học thiếu nhi: tập truyện dài "Thung lũng Ðồng Vang" của Trung Sỹ (NXB Trẻ).
Trong các tác phẩm đoạt giải, nổi bật nhất có lẽ phải kể tới những tác phẩm đạt số phiếu tuyệt đối từ các hội đồng và nhận được đánh giá cao từ công chúng, giới làm nghề. Ðối với văn xuôi, tiểu thuyết "Bửu Sơn Kỳ Hương" của nhà văn Lý Lan đạt được số phiếu đồng thuận tuyệt đối của Hội đồng Chung khảo để trao giải. Về nội dung, tác phẩm lấy bối cảnh Nam Bộ tại thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ 19 và 20 với đầy ắp biến cố, tạo ra các xung lực mạnh mẽ từ những cặp tình thế: tiếp nhận và đối đầu, khước từ và níu kéo, đập vỡ và hàn gắn, trên các khía cạnh cả về sự kiện thực tế lẫn tinh thần. Qua sự chìm nổi của một gia tộc người Hoa trong hành trình hòa nhập với số phận người bản địa, tác giả đã dựng lại hết sức sống động không khí của vùng đất lục tỉnh trước sự biến đổi mang tính bước ngoặt lịch sử. Trong cơn gió bụi, có một nguồn sáng le lói nào đó để trong gia đình và ngoài xã hội, để con người nương vào mà sống và hy vọng, ấy là đạo nghĩa, đức tin, sự yêu thương đùm bọc. Tất cả đều giản dị mà bền chắc. Về nghệ thuật, tiểu thuyết được viết theo lối tự sự với giọng trần thuật dồi dào khí lực, hào sảng, gần gũi trong một cấu trúc tự nhiên, làm bật lên cá tính, phong cách của con người và nét văn hóa đặc sắc vùng Nam Bộ. Ðây là tác phẩm có kỹ thuật nhuần nhuyễn, vượt qua khỏi những gượng ép để tiến tới một cảm quan hiện đại với sự tinh giản mà vẫn hết sức khoáng đạt. Nhà văn Lý Lan sinh năm 1957 tại Bình Dương, lớn lên ở Chợ Lớn, tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, học cao học văn chương Anh trường Wake Forest (Mỹ), từng dạy học tại các trường THPT: Cần Giuộc, Hùng Vương, Lê Hồng Phong. Bà là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng: "Chút lãng mạn trong mưa", "Chiêm bao thấy núi", "Ðất khách", "Người đàn bà kể chuyện"… và cũng là dịch giả bộ truyện nổi tiếng "Harry Potter".
Ở chuyên ngành văn học thiếu nhi, tác phẩm "Thung lũng Ðồng Vang" của nhà văn Trung Sỹ cũng đạt số phiếu tuyệt đối để giành giải thưởng. Ðây là truyện dài viết hết sức sinh động, trong trẻo về thiên nhiên, muông thú, cũng như những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của một vùng đất đan xen cộng đồng các dân tộc Việt Nam anh em. Với văn phong có duyên, nhẹ nhàng, nhưng cũng giàu cảm xúc, tác phẩm không chỉ phù hợp với tâm lý tiếp nhận của trẻ thơ mà còn chinh phục được mọi lứa tuổi người đọc khác nhau. Nhà văn Trung Sỹ từng gây chú ý trên văn đàn với tác phẩm "Chuyện lính Tây Nam", Giải C của Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư năm 2021 cho tác phẩm "Ðội trinh sát và con chó Sara". Cuốn sách đoạt giải lần này góp phần giúp trẻ em kết nối vào vùng đất mình đang sống, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ biết rung động trước những giá trị cao đẹp, biết mơ ước và ấp ủ những giấc mơ cho riêng mình bằng nhiều câu chuyện nhân văn.
Thơ là chuyên ngành duy nhất có tới hai tác phẩm đoạt giải. "Bóng của ý nghĩ" của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân được đánh giá cao ở sự chắt lọc tinh tế về hình ảnh, ngôn ngữ, cảm xúc, trường liên tưởng rộng. Tập thơ tràn đầy màu sắc nội tâm, rung cảm chân thành, những suy tư của một cá nhân trước nhiều vấn đề phong phú, đặt trong tương quan với thế giới chung quanh. Ở đó, bạn đọc gặp được niềm hân hoan của tinh thần lãng mạn, chạm vào cả nỗi buồn của những sự chia cách, đổ vỡ, niềm khắc khoải muốn níu giữ vẻ đẹp mong manh của ký ức... Tập thơ được hội đồng chuyên môn đánh giá đã đạt tới sự đượm chín trên cả phương diện nội dung lẫn hình thức thể hiện trong hành trình sáng tác của tác giả và nó cần được ghi nhận đích đáng. Ở khía cạnh khác, tập thơ "Ngàn bài thơ khác" của tác giả Trần Lê Khánh với số lượng bài đồ sộ, dù đã có sự tiết giảm về câu chữ, song, chính bởi số lượng tác phẩm quá lớn dồn vào một tập thơ, không tránh khỏi sự thiếu cân đối, có những bài thơ, câu thơ còn mờ nhạt, chưa thật sự neo vào lòng bạn đọc một cách thuyết phục. Trong báo cáo tổng kết, cũng đề cập về cách tác giả trăn trở với hình thức biểu đạt của mình, hứa hẹn con đường tiến về phía trước và sự tôn vinh kịp thời nhằm khuyến khích không chỉ cho một trường hợp cụ thể, mà rộng hơn, cho tất cả những ai đủ can đảm mang tới sự khác biệt trong địa hạt thơ ca.
Riêng về lý luận phê bình vốn đã ít tác phẩm tham dự xét giải (14 trong tổng số 161), lại trống vắng giải thưởng. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thẳng thắn chia sẻ, qua thảo luận, phân tích đánh giá, phần lớn thành viên Hội đồng sơ khảo cho rằng tác phẩm dự xét giải năm nay chưa đáp ứng được những tiêu chí của giải. Vì thế, ngay từ vòng sơ khảo đã không có tác phẩm nào vượt quá bán số phiếu để đề cử lên Hội đồng chung khảo. Về phần Hội đồng chung khảo, dù có quyền đề cử, lựa chọn thêm những tác phẩm khác để xét nếu thấy cần thiết, nhưng nhận thấy sự lựa chọn, đánh giá của Hội đồng sơ khảo là có cơ sở, bao quát đầy đủ, cho nên hoàn toàn tôn trọng và đồng thuận. Việc để trống hạng mục giải thưởng của chuyên ngành này là hoàn toàn thỏa đáng, chính xác trong tương quan mặt bằng của năm 2022, với tiêu chí mà giải thưởng đặt ra, đồng thời cũng là một tín hiệu mang tính cảnh báo cho quá trình làm nghề và giá trị cống hiến.
Việc xét và trao giải thưởng văn học thể hiện sự ghi nhận công sức lao động sáng tạo của đội ngũ sáng tác. Báo cáo đánh giá tổng kết giải thưởng được chốt lại với nội dung: Mọi hạng mục giải thưởng đều được lựa chọn với tinh thần dân chủ, khách quan, có đòi hỏi khắt khe, đồng thời cũng có những ưu ái mang tính khích lệ, tuy nhiên, trên hết vẫn là ý thức tuân thủ đúng quy trình, tôn trọng đúng nguyên tắc để nhằm thúc đẩy xu hướng hoạt động văn học ngày càng lành mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn... điều mà toàn thể Hội viên cũng như tập thể Ban Chấp hành khóa 10 của Hội Nhà văn Việt Nam mong mỏi vươn tới. Nâng tầm giải thưởng là một câu chuyện dài, khó khăn và chúng ta vẫn còn phải tính đến cả con đường của những tác phẩm đó sau giải thưởng sẽ đi đến đâu. Ðể làm được điều đó, không chỉ các cây bút cống hiến, mà các hội đồng chuyên môn cũng phải đủ năng lực để nhận diện những vẻ đẹp mới, nghệ thuật mới, phát hiện mới, giọng nói mới thể hiện qua từng tác phẩm ■