Nâng tầm giá trị sản phẩm Việt

Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, nằm trong khuôn viên phân xưởng 3B Nhà máy xe lửa Gia Lâm cuối tháng 11 vừa qua, nhiều người dân Thủ đô đặc biệt ấn tượng với không gian trưng bày các sản phẩm làm từ tre của xưởng Taboo Bamboo. Đến từ Quảng Nam, nghệ nhân Võ Tấn Tân đã đưa giá trị tre Việt vươn tầm ra thế giới, góp phần quảng bá vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam cùng ý thức bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên xưởng Taboo Bamboo hướng dẫn du khách hoàn thiện sản phẩm bằng tre. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Nhân viên xưởng Taboo Bamboo hướng dẫn du khách hoàn thiện sản phẩm bằng tre. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Ở Taboo Bamboo, những thanh tre vô tri, vô giác được tạo tác thành những tác phẩm nghệ thuật tinh hoa, nâng tầm giá trị tre Việt.

Từ lan tỏa lối sống xanh

Thành phố Hội An (Quảng Nam) có nhiều làng nghề khác nhau như làng gốm, làng mộc, làng rau… Còn tại xã Cẩm Thanh, từ nhỏ dân làng lại gắn bó với cây tre và dừa nước với nghề truyền thống lâu đời. Sau khi ra trường và làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng nghệ nhân Võ Tấn Tân vẫn luôn nghĩ đến tre. Có thời gian rảnh là nghĩ đến làm ra sản phẩm gì từ tre. Quá trình đô thị hóa, cây tre ngày càng vắng bóng tại các làng quê Việt Nam. Nhiều nơi chặt bỏ tre vì thấy nó không có giá trị gì hết.

Năm 2009, lượng du khách tới Hội An ngày một đông, thành phố cấm xe máy, chỉ cho xe đạp và người đi bộ đi lại trong phố cổ. Từ đó, anh Tân nảy ra ý định làm sản phẩm thân thiện với môi trường và điều anh nghĩ đến đầu tiên là cây tre làng. Nói là làm, anh Tân bắt đầu nghiên cứu làm xe đạp bằng tre mà theo anh đó là ý tưởng và sản phẩm để đời của mình. Anh đã mất rất nhiều thời gian để mày mò, kết nối các thanh tre lại với nhau cho bảo đảm chắc chắn, thẩm mỹ cao, an toàn khi sử dụng.

Và những chiếc xe đạp bằng tre đã lần lượt theo chân du khách đến khắp năm châu từ Mỹ, Ấn Độ, tận các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Đến nay sau 15 năm gắn bó với tre, thừa hưởng những kỹ năng làm nghề thuần thục, cộng với lòng đam mê sáng tạo. Xưởng tre Taboo của gia đình anh Tân không chỉ được biết đến là xưởng sản xuất hàng nghìn đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ và vật dụng gia đình bằng tre, mà còn là một trong những điểm tham quan thu hút khách du lịch.

Theo chân đoàn du khách cả nước ngoài và trong nước, chúng tôi tìm đến xưởng tre Taboo. Khác hẳn với sự ồn ào ở bên ngoài nơi du khách trải nghiệm lắc thuyền thúng tại rừng dừa 7 mẫu, một địa điểm du lịch mới dưới chân cầu Cửa Đại, được rất nhiều du khách lui tới mỗi khi đặt chân đến Hội An. Bước vào không gian của xưởng Taboo là một sự tĩnh lặng đến lạ thường, chúng ta chỉ nghe thấy tiếng cạch cạch của cây búa khi gõ vào chiếc dũa, là tiếng rẹt rẹt của máy cưa cầm tay, hay tiếng xột xoạt phát ra từ chiếc bào gỗ, thi thoảng là những lời hướng dẫn rất nhỏ nhẹ của người thợ trong xưởng đối với du khách đến trải nghiệm làm sản phẩm.

Du khách đến với Taboo Bamboo cảm thấy rất thích thú khi có rất nhiều sản phẩm mang tính nghệ thuật, kiểu dáng phong phú, được làm thủ công bằng tre: Từ những con ốc sên, chim cánh cụt, chuồn chuồn, những chú rối xinh xắn đến các vật dụng dùng trong gia đình như bàn, ghế, điện thoại bàn, cốc uống nước, ống hút, đũa, bát bằng tre, cua hoàng đế, cá chép khổng lồ, tôm càng xanh, cá ngừ đại dương… Mỗi sản phẩm đều được anh Tân cùng với cộng sự của mình tỉ mỉ, chăm chút từng đường nét khắc họa.

Mỗi ngày, xưởng tre Taboo phục vụ rất nhiều du khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Du khách sẽ được trải nghiệm đầy đủ từ đầu đến cuối các công đoạn chế tác một tác phẩm từ tre. Với Taboo không có “giấu nghề” mà còn khơi gợi, truyền cảm hứng cho du khách thỏa sức sáng tạo.

Sau một ngày trải nghiệm làm sản phẩm tại xưởng, anh Maximilian, du khách người Đức chia sẻ: “Tôi đã được hướng dẫn tận tình để tự tay làm ra thành phẩm riêng cho mình, dù mất khá nhiều thời gian nhưng tôi thấy vui vì điều đó. Cái này giống như gỗ nhưng lại không phải là gỗ, tôi được giải thích là một loại cây có nhiều ở các miền quê Việt Nam”.

Đến ngay cả việc tư vấn sản phẩm cho khách hàng, hầu hết anh Tân đều tự mình làm. Vì theo anh, là người hiểu tre, biết nghề thì mới có thể đánh giá, xem xét yêu cầu về sản phẩm có thực hiện được hay không, cần thay đổi chỉnh sửa như thế nào để phản hồi ngay cho khách hàng. Khách hàng tìm đến Taboo Bamboo có lẽ cũng chính vì sự tận tâm, sự nhiệt thành này của anh.

Câu chuyện sáng tạo cũng như tâm huyết của anh Tân với loài cây mang tính biểu tượng ấy quả thật ai nghe đến cũng phần nào ấn tượng. Có lẽ vì thế mà câu chuyện sáng tạo của xưởng Taboo Bamboo được nhắc đến và tham gia nhiều dự án của thành phố, đặc biệt là khi Hội An vừa được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới sáng tạo toàn cầu.

Nâng tầm giá trị sản phẩm Việt ảnh 1

Anh Võ Tấn Tân đang hoàn thiện sản phẩm cho khách hàng. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Đưa tre Việt ra thế giới

Được tiếp xúc với nghệ thuật chế tác tre từ nhỏ, hiểu từng kết cấu, đặc tính của mỗi loại tre phù hợp nhất với từng cách thao tác và chế tạo. Anh Tân cho biết, nguyên liệu chính anh tận dụng từ tài nguyên tre gai của địa phương. Tre gai không thể làm công nghiệp được, hình dáng không thẳng đều như các loại tre khác, nhưng khi làm thủ công rất phù hợp, tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau từ cây tre, nó có độ dày mỏng khác nhau từ gốc đến ngọn, tre này rất chắc chắn và dẻo dai phù hợp với làm thủ công. Người thợ không phải bỏ bất cứ thứ gì từ cây tre cho dù là rất nhỏ như mắt tre cho đến gốc và ngọn đều tạo ra những sản phẩm khác nhau.

Taboo Bamboo từ lâu đã là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách quốc tế, họ đến đây một vài lần thậm chí khi về nước vẫn liên hệ đặt hàng sản phẩm của xưởng thông qua mạng xã hội, thư điện tử. Anh Marshall Jones, du khách người Anh chia sẻ: Người chủ của xưởng này đã tạo ra những sản phẩm tuyệt đẹp và nhiều sản phẩm hữu dụng như chiếc xe đạp mà tôi đang xem đây. Dường như sức sáng tạo của anh ấy về tre là vô tận.

Tôi thấy đây là một trải nghiệm tuyệt vời với du khách khi đến thăm thành phố Hội An. Còn chị Eliza Campbell, du khách người Anh cho biết: Tôi được một người bạn giới thiệu đến xưởng này. Đây là lần đầu tôi biết đến và nhìn thấy cây tre, có rất nhiều sản phẩm được làm từ vật liệu này ở đây. Nó thật sự hữu ích trong cuộc sống hằng ngày và rất đẹp.

Anh Tân rất tâm huyết với các sản phẩm truyền thống gắn bó với người Việt như cá chép, tôm càng xanh, cua, cá ngừ đại dương… mỗi khi thực hiện anh thường làm những sản phẩm này với kích thước lớn hơn thực tế rất nhiều, nó đòi hỏi người thợ phải lột tả được hết từ những chi tiết rất là nhỏ từ bộ vảy cá đến mắt tôm hay càng cua một cách chân thật nhất để khi treo lên và bật đèn bên trong nó vẫn làm nổi bật lên các chi tiết của sản phẩm mình làm ra.

Đồng hành cùng anh Tân tại xưởng từ khi thành lập đều là những người trẻ, anh luôn đề cao tính sáng tạo từ các người thợ của mình, chính vì trẻ cho nên các bạn luôn có các ý tưởng rất mới, đột phá. Đó cũng chính là lý do xưởng thủ công này được nuôi dưỡng cho đến nay.

Trong suốt chặng đường đã qua anh Tân vẫn luôn giữ mình đi đúng với định hướng ban đầu, đó là sản phẩm của sự sáng tạo. Anh cho rằng, khi phát triển quy mô quá lớn, đầu tư máy móc, con người nhiều thì từ đó số lượng sản phẩm tăng, đến lúc đó chỉ còn là sản phẩm công nghiệp, chứ không còn là sản phẩm của sự sáng tạo nữa. Mà không sáng tạo thì khó có thể tồn tại trên bản đồ làng nghề.

“Sau khi được nhiều người biết đến hơn, tôi nhận được rất nhiều lời mời hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng nhận thấy họ muốn theo hướng sản xuất hàng loạt, tôi từ chối ngay. Tôi cũng như những anh em thợ ở đây đều vì đam mê sáng tạo mà bỏ nhà máy, xí nghiệp về đây, không lý nào tôi vì lợi nhuận mà bắt cộng sự của mình lại tiếp tục đi theo con đường đó. Với tôi thợ phải thoải mái tinh thần, giờ giấc, phải có đất để sáng tạo chứ không phải làm việc theo ca, hết ngày hết nhiệm vụ…”, anh Tân cho biết.

Với những ai đã đặt chân đến Taboo Bamboo sẽ thấy hiểu tre hơn, yêu tre hơn từ đó yêu môi trường hơn. Còn với những du khách, việc sử dụng sản phẩm làm từ tre chính là cách bảo vệ môi trường. Với anh Tân, phát triển là điều tất yếu, nhưng có phát triển đến đâu thì vẫn phải giữ được phương thức làm nghề thủ công, sản phẩm phải được ra đời bằng óc sáng tạo chứ không phải khuôn mẫu, công nghiệp. Giá trị truyền thống nếu muốn song hành với thời đại thì phải không ngừng sáng tạo, mà chính sự sáng tạo của thế hệ trẻ ngày nay là sức mạnh tiềm năng, tiềm tàng, có thể đưa tre Việt đi xa hơn, vươn tầm quốc tế hơn nữa.