Nâng tầm đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới

Hơn 25 năm kể từ khi chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có nhiều quyết sách quan trọng, có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm “Trí thức khoa học và công nghệ chung tay vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng” do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức.
Tọa đàm “Trí thức khoa học và công nghệ chung tay vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng” do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức.

Nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ

Đồng chí Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng chia sẻ, ngay sau khi tách ra từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đã sớm có chính sách thu hút nguồn nhân lực bằng chế độ đãi ngộ ban đầu đối với những cán bộ, sinh viên giỏi tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố. Từ đó đến nay, theo từng giai đoạn, thành phố có những chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và nhu cầu nhân lực để thu hút nguồn nhân lực cũng như hợp tác với các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia nước ngoài.

Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 được ban hành, trong đó quy định rõ chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công. Nguồn nhân lực chất lượng cao được thu hút dưới hai hình thức: làm việc lâu dài hoặc làm việc ngắn hạn, bán thời gian tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.

Từ năm 2019, trên cơ sở nhu cầu thu hút và chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức, thành phố thông báo công khai, rộng rãi chỉ tiêu thu hút. Những người đăng ký được đánh giá, xét chọn trên cơ sở đáp ứng yêu cầu trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp cho vị trí làm việc, thực hiện đồng thời với công tác tuyển dụng công chức, viên chức theo quy định. Những cán bộ, nhân viên, sinh viên từ địa phương khác đến, sau khi tuyển dụng, thành phố bố trí nhà ở phù hợp nhu cầu, ưu tiên thi tuyển công chức, viên chức và được cử đi đào tạo bồi dưỡng trong nước và ngoài nước.

Hiện nay, theo Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, những đối tượng diện thu hút nhân tài, được hưởng đầy đủ chế độ tiền lương, bảo hiểm, các chế độ chính sách khác theo quy định hiện hành, đồng thời tùy nhóm đối tượng và trình độ đào tạo, cơ sở đào tạo… được hỗ trợ kinh phí ban đầu với mức từ 80 đến 280 lần mức lương cơ sở, được ưu tiên thuê chung cư hoặc hỗ trợ vay vốn ưu đãi trong thời hạn 10-15 năm để mua nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước và Ủy ban nhân dân thành phố.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức

Bên cạnh chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, từ năm 2004, thành phố triển khai công tác đào tạo nguồn cán bộ quản lý và chuyên gia. Học sinh, sinh viên xuất sắc được thành phố cấp học bổng toàn phần, gửi đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Năm 2006, thành phố thực hiện Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài.

Năm 2009, thành phố thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; năm 2011, thành phố ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo thống kê, từ năm 2004 đến nay, Đà Nẵng đã cử 613 học viên tham gia chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó đào tạo 155 bác sĩ, bác sĩ nội trú; 338 học viên bậc đại học; 120 học viên đào tạo sau đại học.

Đánh giá về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng, quá trình học tập, công tác, đa số học viên tham gia các đề án đều có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thích nghi công việc nhanh, có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát huy trình độ chuyên môn ở vị trí công tác được phân công, tham gia tích cực vào các hoạt động chung của cơ quan và các hoạt động xã hội. Nhiều người thể hiện sự năng động, tự tin trong việc tham mưu, đề xuất với cấp trên, sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giao tiếp với người nước ngoài...

Một số học viên đã đề xuất nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc. Qua thực tế công tác, hàng trăm trường hợp trưởng thành, được kết nạp vào Đảng, được bổ nhiệm cán bộ quản lý từ cấp trưởng, phó phòng, giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành tương đương.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Trung Chinh, với sự đầu tư của Đà Nẵng trong phát triển nguồn nhân lực, đã liên tục bổ sung thế hệ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, được đào tạo chính quy. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố hiện nay tăng gấp 3 lần so với cuối năm 1997; trình độ được nâng cao, số lượng đại học, sau đại học chiếm đa số trên tổng số cán bộ công chức, viên chức. Giai đoạn tới, Đà Nẵng xây dựng lộ trình cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo đó, đến năm 2030, thành phố xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ, trí thức trong các ngành phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào 5 lĩnh vực mũi nhọn theo tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế; tăng số lượng những nhà khoa học đầu ngành có trình độ cao để có thể nghiên cứu ứng dụng, giải quyết những vấn đề thực tiễn trong quá trình phát triển, đồng thời tham gia dìu dắt, hướng dẫn nâng cao trình độ cho đội ngũ kế cận…

Từ đó, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, chuyên gia đầu ngành, các cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn, có tầm nhìn, tận tâm, có năng lực tham mưu, tư vấn, hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội phát triển thành phố, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Song song đó, thành phố có chế độ đãi ngộ tương xứng với kết quả công việc và những đóng góp cụ thể của trí thức đối với thành phố; phát hiện những trí thức có tài, tâm huyết để kịp thời động viên, khuyến khích, bố trí công việc phù hợp và tạo môi trường tốt để phát huy tài năng, cống hiến cho thành phố.