Nâng chỉ số hạnh phúc từ việc khuyến học, khuyến tài

Việc củng cố và nâng cao chất lượng, số lượng tổ chức Hội Khuyến học các cấp luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm, triển khai. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài hiệu quả được coi là một tiêu chí hạnh phúc được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19, góp phần nâng cao dân trí, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh ngày một phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn Thanh niên huyện Yên Bình (Yên Bái) hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Đoàn Thanh niên huyện Yên Bình (Yên Bái) hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Hội Khuyến học các cấp tỉnh Yên Bái đã thể hiện vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài hướng về cơ sở với nhiều cách làm sáng tạo. Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái, Triệu Tiến Thịnh cho biết, phong trào muốn phát triển sâu, rộng thì cốt lõi là xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Nhờ có tổ chức Hội chặt chẽ và cán bộ tâm huyết, các mô hình học tập trên địa bàn tỉnh được xây dựng với nhiều cách làm hay, sáng tạo đạt được nhiều kết quả thực chất. Đến nay, 100% các thôn, bản, tổ dân phố, trường học trên toàn tỉnh đều có tổ chức Hội, có hơn 26% số dân tham gia tổ chức Hội. Nhiều mô hình học tập, mô hình khuyến học, khuyến tài tiêu biểu ở các địa phương có sức lan tỏa lớn.

Tiêu biểu như các mô hình: "Kho thóc khuyến học" ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; "Dòng họ học tập" ở Mù Cang Chải; trung tâm học tập cộng đồng ở huyện Yên Bình… Hiệu quả các mô hình đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng cao, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Huyện Trấn Yên thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả 52 dòng họ khuyến học, 21 hội khuyến học cấp xã, 20 ban khuyến học cơ quan với 43 đơn vị tham gia. Các dòng họ tập trung chăm lo con em dòng tộc có điều kiện được đi học, thúc đẩy người lớn tích cực cập nhật kiến thức mới tiến bộ, kinh nghiệm hay để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất.

Các dòng họ chấp hành tốt pháp luật, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, tôn vinh các truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Đặc biệt, việc bảo tồn trang phục dân tộc, chữ viết, tiếng nói đã được đưa vào quy ước, hương ước, có chi bộ ra nghị quyết 100% số đảng viên sắm quần áo dân tộc mình để mặc trong các dịp lễ hội.

Điển hình như họ Nguyễn Đức tại xã Việt Hồng, đã ra mắt tủ sách của dòng họ; nghệ nhân Nịnh Quang Thanh, dân tộc Cao Lan, trú tại xã Hòa Cuông, mở lớp dạy tiếng Cao Lan cho gần 300 con em trong xã; Trường tiểu học xã Việt Hồng mở lớp ngoại khóa dạy tiếng Tày cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Văn Chấn, Nguyễn Minh Đức cho biết, toàn huyện hiện có hơn 39.400 hội viên, sinh hoạt tại 66 chi hội đơn vị trường học, 213 chi hội thôn bản, tổ dân phố, 65 ban khuyến học dòng họ, 32 ban khuyến học các cơ quan, đơn vị.

Qua đánh giá, đã có 23.400 gia đình, 64 dòng họ, 174 cộng đồng, 80 đơn vị được công nhận danh hiệu học tập. Ông Sa Quang Phụng, Trưởng dòng họ Sa ở xã Cát Thịnh cho biết, mỗi thành viên trong dòng họ chúng tôi đều hiểu, tự ý thức rằng học tập là việc suốt đời, học tập để phục vụ cho cuộc sống của chính bản thân mình nên luôn tự giác trau dồi kiến thức, học mọi lúc mọi nơi, mọi lứa tuổi.

Để hình thành, duy trì việc học, thói quen đọc sách, dòng họ Sa đã vận động các gia đình thành lập tủ sách khuyến học, tủ sách khuyến học dòng họ. Đọc sách sẽ giúp mỗi thành viên từ trẻ đến già mở ra tri thức mới, tiếp cận chân trời, thế giới mới giúp rèn luyện đạo đức, lối sống trở thành công dân có ích cho xã hội. Được công nhận là "Dòng họ học tập" chúng tôi rất vui, đây là nguồn động viên lớn giúp chúng tôi phấn đấu tốt hơn nữa.

Theo ông Trần Văn Tho, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái, với mục tiêu không để học sinh có hoàn cảnh khó khăn dở dang việc học, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, tiếp sức cho các em đến trường.

Năm 2022, qua kêu gọi đã tiếp nhận nguồn kinh phí xây dựng được hai cầu cứng, hai phòng học trị giá hơn 3,5 tỷ đồng; giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn 560 triệu đồng; mở hai lớp tiếng Anh, 5 lớp tiếng Nôm Dao giúp hàng trăm cháu mở rộng kiến thức xã hội. Sáu tháng đầu năm 2023, qua vận động đã thu được 1,5 tỷ đồng, các cấp hội phối hợp trao đến học sinh nghèo vượt khó, các suất học bổng ý nghĩa giúp các em vươn lên.

Phong trào khuyến học, khuyến tài đã lan tỏa và hỗ trợ các hoạt động giáo dục rất thiết thực, hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của người dân về đầu tư cho giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài của tỉnh.

Nhờ học tập đã có nhận thức đúng, dẫn đến hành động đúng, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao không còn du canh du cư, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, Người H’Mông đã cùng "Ăn chung một Tết", người Dao, người Tày đã phục dựng trang phục của mình để bảo tồn bản sắc dân tộc.

Cuộc sống người dân Yên Bái được nâng lên, 100% số trẻ đến tuổi được tới trường, trong đó có hàng chục nghìn em học tại các trường nội trú, các trường hợp yếu thế xã hội được quan tâm, chăm lo tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, không ai bị bỏ lại phía sau.