Nâng chất lượng sản phẩm OCOP

Những năm qua, huyện Thường Tín, Hà Nội, đã có nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ðến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 150 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sao. Sau khi được công nhận OCOP, đã tạo điều kiện cho các sản phẩm tiêu thụ tốt hơn và thu nhập cho người dân cũng tăng lên.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất rau mầm tại Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà.
Sản xuất rau mầm tại Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà.

Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, đến hết tháng 6, trên địa bàn thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm đạt 4 sao và 534 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm có 1.071 sản phẩm, đồ uống có 35 sản phẩm, thảo dược có 17 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ có 492 sản phẩm...

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Ðức Mạnh, Chương trình OCOP tại địa bàn huyện mặc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình trong phát triển kinh tế nông thôn.

Đến hết tháng 6, trên địa bàn Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm đạt 4 sao và 534 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm có 1.071 sản phẩm, đồ uống có 35 sản phẩm, thảo dược có 17 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ có 492 sản phẩm...

Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ðến nay, trên địa bàn huyện có 152 sản phẩm được thành phố công nhận đạt 3 sao, 4 sao (140 sản phẩm đạt 4 sao và 12 sản phẩm đạt 3 sao) ở các nhóm ngành như: Thực phẩm, thủ công mỹ nghệ trang trí, thảo dược...

Hiện nay, huyện Thường Tín có ba điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại xã Duyên Thái, Hồng Vân và Hà Hồi đáp ứng tiêu chuẩn điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện cũng lập trang web để quảng bá văn hóa-du lịch-làng nghề và xúc tiến thương mại các sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Cũng theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Ðức Mạnh, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và nhóm ngành lưu niệm, nội thất, trang trí sản lượng sản xuất và tiêu thụ đã tăng lên so với trước khi được công nhận.

Ðể có được kết quả đó là do sản phẩm của các chủ thể được tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn thành phố cho nên sản phẩm được nhiều người biết đến và tin dùng, giúp doanh số bán ra ngày càng tăng.

Ðiển hình như Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở được thành lập từ năm 2018 với diện tích hiện nay là 2,1ha đang thực hiện canh tác các loại rau ăn lá như: Cải mơ, cải ngọt, cải bó xôi, xà lách, rau mầm, giá đỗ... theo tiêu chuẩn VietGAP. Với phương thức canh tác tiên tiến như trồng rau trong nhà màng giúp giảm ảnh hưởng bất thuận của thời tiết, sâu bệnh gây hại; sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, chăm sóc cây trồng góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, tạo ra nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ: "Tiền thân là hộ kinh doanh cá thể chuyên sản xuất rau mầm, rau baby, đến năm 2018, do nhu cầu phát triển cùng sự hỗ trợ của thành phố và huyện Thường Tín, đơn vị đã thành lập hợp tác xã. Hiện nay, hợp tác xã sản xuất nhiều loại rau nhưng chủ yếu với hai dòng sản phẩm chủ lực là: Rau mầm, rau baby. Mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 200 tấn rau các loại với doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm. Các sản phẩm rau của hợp tác xã được cung cấp cho nhiều hệ thống siêu thị tại Hà Nội và người tiêu dùng ở 15 địa phương lân cận.

Ðến nay, hợp tác xã có 30 sản phẩm rau được công nhận đạt 4 sao. Từ khi được công nhận đạt 4 sao, các sản phẩm rau của hợp tác xã tiêu thụ tốt hơn, vì thế sản lượng và doanh thu cũng tăng theo từng năm.

Nhằm giúp các sản phẩm rau của hợp tác xã tiêu thụ tốt, đồng thời thúc đẩy các sản phẩm OCOP của hợp tác xã, thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín đã có những chính sách hỗ trợ về quy trình chuẩn hóa hồ sơ cho sản phẩm; hỗ trợ thiết kế tem, nhãn, bao bì, quy cách đóng gói...; hỗ trợ hợp tác xã tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, điểm tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận khoa học công nghệ mới".

Mặc dù Chương trình OCOP tại huyện Thường Tín đã và đang mang lại nhiều tín hiệu khả quan nhưng việc thực hiện Chương trình này cũng đang gặp những khó khăn do trong quá trình rà soát hồ sơ, sản phẩm mặc dù chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng thường không đầy đủ; bao bì còn đơn giản chưa bắt mắt khách hàng.

Ðặc biệt, các sản phẩm còn sơ sài chưa gắn kết với lịch sử, văn hóa của địa phương; công nghệ sản xuất còn hạn chế cho nên chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chính vì vậy giá trị gia tăng của các sản phẩm OCOP chưa được cao so với kỳ vọng.

Năm 2022, huyện Thường Tín tiếp tục phát triển, hoàn thiện được 15 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP dự kiến sẽ được tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ ở các địa phương; đồng thời tiếp tục hỗ trợ khai trương một điểm giới thiệu, trưng bày, quảng bá, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm làng nghề, đặc trưng của huyện tại xã Hồng Vân.

Năm 2022, huyện Thường Tín tiếp tục phát triển, hoàn thiện được 15 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP dự kiến sẽ được tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ ở các địa phương; đồng thời tiếp tục hỗ trợ khai trương một điểm giới thiệu, trưng bày, quảng bá, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm làng nghề, đặc trưng của huyện tại xã Hồng Vân.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm và các mô hình tới các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện tới cơ sở; phối hợp các cơ quan liên quan của thành phố thực hiện hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất và áp dụng các quy trình sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO... cho các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP; đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bao bì, tem nhãn hàng hóa, nhãn hiệu sản phẩm tập thể cho các sản phẩm...