Nâng chất lượng đào tạo nghề và việc làm

Tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) trọng điểm như KKT Dung Quất, KCN Vsip… phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Từ nền tảng này, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Sau nhiều năm tập trung phát triển “nóng” nguồn nhân lực đáp ứng cho nhà đầu tư, Quảng Ngãi chuyển dần trọng tâm đào tạo, hướng đến chất lượng nhân lực và việc làm đúng ngành nghề, chuyên môn.

Học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi trong giờ thực hành.
Học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi trong giờ thực hành.

Chuyên tâm đào tạo chất lượng nhân lực

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV). 5 năm qua, có khoảng 47.300 HSSV tốt nghiệp đào tạo nghề; trong đó, hệ cao đẳng, trung cấp 40.800 sinh viên, sơ cấp và dạy nghề hơn 36.500 người. Bên cạnh bảo đảm số lượng đào tạo cung ứng nhân lực cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thì mỗi trường đào tạo nghề thực hiện chính sách, chiến lược đào tạo riêng phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế. Xu hướng đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu với chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được chú trọng hơn.

Mỗi năm, Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi đào tạo 1.100 sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp. Năm học 2020 - 2021, trường đào tạo 1.300 sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp 1; 1.800 học viên hệ sơ cấp.

Cũng như nhiều trường cao đẳng, đại học trong nước, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các trường tập trung ưu tiên tuyển sinh số lượng bảo đảm chỉ tiêu đào tạo. Tuy nhiên, để giữ được người học, đào tạo nhân lực đạt chuẩn với mục tiêu học và làm đúng nghề, đúng chuyên môn, Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi duy trì cải thiện đầu vào chất lượng tuyển sinh. Trong đó, tập trung nhiều giải pháp như đẩy mạnh đầu vào học sinh tốt nghiệp THPT, tư vấn hỗ trợ định hướng nghề nghiệp để học sinh chọn lựa phù hợp, đúng sở trường, đam mê.

Sau ba năm đào tạo, nhân lực Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi cung ứng cho các KKT, KCN tại tỉnh Quảng Ngãi, KKT Chu Lai (Quảng Nam) và vùng lân cận. Hiện, trường hợp tác toàn diện với nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi và khu vực lân cận như CTCP Thép Hòa Phát, Hoya, Mensa… để cung ứng nguồn nhân lực đã qua đào tạo.

Ông Nguyễn Tưởng Duy, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi cho biết, sàng lọc trong tuyển sinh sẽ giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, tránh đào tạo lãng phí. Tư vấn, hỗ trợ cho học sinh hiểu về nghề học, việc làm và xu hướng lựa chọn phù hợp sẽ giúp cho người lao động có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

“Chúng tôi chú trọng hướng nghiệp thực chất hơn. Cùng với giảng dạy kỹ năng nghề thì nhà trường quan tâm đến việc củng cố nhận thức học nghề. HSSV hiểu rõ họ cần gì, muốn gì và phù hợp với mình thì họ chọn được hướng đi tốt. Chúng tôi hy vọng có như vậy thì nguồn lực đào tạo được khai thác tốt hơn”.

a2.jpg -0
 Tư vấn, hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi.

Tại Quảng Ngãi, xu hướng không đào tạo nghề bằng mọi giá, bằng số lượng đang được các trường, trung tâm lựa chọn. Mỗi giai đoạn khác nhau cơ sở đào tạo nghề chọn chiến lược phù hợp. Sau nhiều giai đoạn thăng trầm, nhu cầu “nóng” đáp ứng nguồn lao động cho các KKT, KCN thì hiện nay công tác đào tạo nghề tại Quảng Ngãi dịch chuyển dần quan điểm đào tạo, đó là chuyên tâm đào tạo nhân sự, lao động chất lượng ngày càng cao hơn. Điều kiện thực tiễn hiện nay, nhiều trường xu hướng chú trọng đào tạo thực chất, không chạy theo số lượng ồ ạt như trước.

Không chỉ đào tạo về kỹ năng nghề, trường nghề còn chú trọng đào tạo nhận thức về nghề nghiệp, hướng nghiệp chuyên sâu hơn. Các biện pháp ưu tiên tập trung như xét tuyển, đánh giá chất lượng đầu vào tuyển sinh; củng cố nhận thức học nghề của học viên là quan tâm hàng đầu.

Tại Trường cao đẳng Cơ giới Quảng Ngãi, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm tuyển sinh, đào tạo 500 - 600 sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng. Các ngành nghề chủ yếu là công nghệ ô-tô, điện công nghiệp, máy thi công…

Năm 2020, trường đào tạo hơn 500 học viên trung cấp, cao đẳng; 1.800 học viên sơ cấp nghề. Ngoài ra, đơn vị liên kết với Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh đào tạo hệ vừa học vừa làm cho 62 sinh viên chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật điện, ô-tô. Với mục tiêu đào tạo chất lượng là cốt lõi để có nhân sự lao động đạt chuẩn, đáp ứng thực tiễn vị trí làm việc, Trường cao đẳng Cơ giới Quảng Ngãi tiếp tục chiến lược đào tạo nghề của riêng mình. Trong thời gian tới, trường triển khai thực hiện đào tạo theo tín chỉ, đổi mới phương pháp dạy và đánh giá chất lượng học sinh trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ giới Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi tuyển sinh số lượng theo thực tế năng lực đào tạo của trường. Những ngành đặc thù, trọng điểm của trường như máy thi công, máy xúc, máy đào vẫn được ưu tiên đào tạo”.

Theo báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động đạt 55%. Số học sinh đang tham gia học nghề khoảng 23.000 HSSV; trong đó, hệ cao đẳng 5.166 sinh viên, hệ trung cấp 6.750 sinh viên, sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng hơn 11.000 người. Số HSSV tốt nghiệp đào tạo nghề hàng năm khoảng 10.300 người.

Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đa dạng hoá các chương trình đào tạo, huy động nguồn lực, tập trung thu hút người học vào các ngành, đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng của người lao động nhằm cải thiện cơ hội việc làm cho người học. Đồng thời, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo qua hình thức trực tuyến nhằm khắc phục tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Chúng tôi luôn định hướng là đào tạo phải gắn với vị trí việc làm, gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Mỗi giai đoạn khác nhau thì nhu cầu, tính chất nguồn nhân lực cũng khác nhau. Vì vậy, lĩnh vực dạy nghề cũng bám theo thực tiễn đó để nhân lực chất lượng ngày càng cao hơn”.

Việc làm cho mùa Covid-19

Năm 2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi tạo việc làm mới và thêm việc làm cho khoảng 22.880 lao động, đạt 55,8% kế hoạch năm; Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 18.760  lượt người, trong đó 3.400 lao động được giới thiệu việc làm.

Để hỗ trợ cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 10.200 lượt người tham gia khai thác thông tin việc làm và tham gia phỏng vấn.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ người lao động bị mất việc tăng cao. Đồng thời, nhu cầu tìm kiếm nhân sự của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do sự dịch chuyển lao động sang các địa phương, vùng khác nhau. Vì vậy, kết nối nhu cầu việc làm cho người lao động là cần thiết nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu mới trong tình hình dịch Covid-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai các biện pháp tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp cho người lao động qua nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp Website, APP của đơn vị; tổ chức kết nối trực tiếp người lao động mất việc với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng để tích cực hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi 6.100 lao động trong giai đoạn khó khăn bởi dịch Covid-19.

a3.jpg -0
 Các sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi là cơ hội để người lao động tiếp cận tìm kiếm việc làm hiện nay.

Chị Lê Thị Thảo (xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh) là công nhân KCN Tịnh Phong, chuyên lĩnh vực gia công gỗ. Do dịch Covid 19, công ty giảm người lao động để chờ đơn hàng mới. Để tìm kiếm việc làm, chị Thảo tương tác qua hệ thống website của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi, sau nhiều lần được hỗ trợ, tư vấn, chị đã tìm được công việc mới. Trong điều kiện khó khăn kéo dài, thu nhập từ công việc hành chính giúp chị trang trải chi phí gia đình.

“Trước đây mình tìm việc từ các văn phòng, trung tâm giới thiệu việc làm nhưng nay vì Covid-19, các sàn giao dịch đầu năm chưa mở nên mình lên mạng, vào trang web tìm kiếm. Vừa không tập trung đông người nhưng vẫn có thông tin nên vẫn tìm được việc”, chị Thảo chia sẻ.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2020, người lao động học ngoại ngữ chuẩn bị xuất khẩu lao động tại Quảng Ngãi giảm mạnh; học viên học kỹ năng nghề, kiến thức nhằm nâng cao chất lượng lao động dự tuyển làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc gần 150 lao động; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tìm việc gần 200 lao động; chuyên đề định hướng nghiệp cho 270 lao động. Vì vậy, chủ động lựa chọn phương pháp hỗ trợ, hướng dẫn, giới thiệu việc làm cho người lao động cũng được triển khai phù hợp. Các trung tâm, sàn giao dịch việc làm của tỉnh Quảng Ngãi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tư vấn trực tuyến, trang web, APP để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động. Các giải pháp này bước đầu hiệu quả, và được duy trì trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Trong năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động cho 20.000 - 22.000 việc làm trống; tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, hỗ trợ, tư vấn việc làm cho khoảng 10.000 - 12.000 lượt lao động trong nước; 850 - 900 lượt người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; cung ứng 3.000 - 3.500 lao động cho các KKT, KCN.

Bên cạnh tư vấn, kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho doanh nghiệp, người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng nâng cao chất lượng nguồn lao động dự tuyển làm việc có thời hạn ở các nước. Thường xuyên cập nhật, niêm yết trên các website, app online của trung tâm, các cơ quan đơn vị  cho người lao động tham khảo, tìm kiếm dễ dàng hơn.

Theo ông Đỗ Tiến Tân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi, trong điều kiện hiện nay, việc làm cho người lao động là nhu cầu lớn, cấp thiết tuy nhiên các giải pháp hỗ trợ, kết nối phải thay đổi cho phù hợp để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

“Chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp như trực tuyến, online trên diện rộng. Vừa làm sàn giao dịch khi được phép tổ chức và vừa làm các phương thức điện tử, trang mạng trên diện rộng, bảo đảm hoàn thành kế hoạch cũng như hỗ trợ giải quyết việc làm của Trung tâm”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

Thích ứng phù hợp tình hình mới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo ngành chuyên môn tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc tư vấn, hướng nghiệp, trực tuyến nhằm khắc phục tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.