Để thực hiện được mục tiêu trên, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, tránh tình trạng nông dân làm theo sở thích, làm theo tập quán. Đó cũng là mục đích trong chuyến khảo sát thực tế của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, tại xã Tân Bằng (huyện Thới Bình) vào chiều 14-5.
Tháp tùng chuyến khảo lần này còn có đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền huyện U Minh, TP Cà Mau, Thới Bình, Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời). Đây cũng là hai trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước về con tôm, cây lúa.
Trò chuyện với nông dân vùng lúa-tôm ấp Nguyễn Huế (xã Tân Bằng), hai doanh nghiệp nêu trên bày tỏ nguyện vọng liên kết hợp tác, phát triển sản xuất thí điểm mô hình lúa - tôm năng suất cao, quy mô 75 ha trên địa bàn Nguyễn Huế. Với sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, khi mô hình được triển khai, con tôm, cây lúa làm ra sẽ gắn với các quy chuẩn khắt khe phục vụ các nước nhập khẩu, giúp nhà nông thu được lợi nhuận tốt nhất trên cùng diện tích đất canh tác.
Tiếp thu đề xuất của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cho rằng: Dư địa ở Cà Mau còn nhiều nơi đất sạch, không nhiễm hóa chất, kháng sinh..., bảo đảm điều kiện thực hiện thí điểm liên kết sản xuất mô hình lúa - tôm năng suất cao. Tuy nhiên, để cộng đồng nhà nông yên tâm hợp tác, phía doanh nghiệp cần cam kết lợi nhuận với nhà nông; có cơ chế bảo đảm sự minh bạch trong quá trình thực hiện mô hình…
Làm việc với chính quyền địa phương và doanh nghiệp ngay sau buổi khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, thống nhất đề xuất, cũng như đồng ý về mặt chủ trương để Minh Phú và Lộc Trời: Hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí để quy hoạch lại mô hình lúa - tôm trên địa bàn tỉnh; kết hợp với huyện Thới Bình và các huyện khác trong tỉnh xây dựng mô hình thí điểm hợp tác giữa doanh nghiệp, nông dân và có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong vấn đề tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp sang tăng năng suất sản lượng và ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người nông dân.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh “chủ công” trong điều phối, phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn, chính sách để triển khai các mô hình tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Trước mắt, cần tập trung vào triển khai thành công mô hình thí điểm tại xã Tân Bằng để nhân rộng ra những nơi đủ điều kiện của các địa phương khác trong tỉnh. Quá trình hợp tác phát triển sản xuất lúa - tôm, cần bảo đảm lợi ích hài hòa, đất đai và việc làm cho người dân, tiến tới ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giải quyết bài toán tổng thể về thích ứng biến đổi khí hậu…
Cà Mau có khoảng 300.000 ha đất nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, diện tích lúa - tôm hơn 36.300 ha, được xem là mô hình sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mà đến cuối năm 2020, Cà Mau xây dựng thành công một số vùng chuyên canh lúa gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với tổng diện tích hơn 15.000 ha, chiếm khoảng 19% tổng diện tích canh tác lúa toàn tỉnh. Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2025, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa - tôm đạt từ 30 - 50% trong tổng diện tích lúa - tôm toàn tỉnh.
Để hiện thực được mục tiêu trên, ông Nguyễn Trần Thức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Cà Mau, cho biết: Bên cạnh định hướng sản xuất gắn với sản phẩn an toàn, sản phẩm sinh thái, hữu cơ..., ngành chức năng Cà Mau đang khảo sát để triển khai thí điểm mô hình liên kết phát triển sản xuất giữa nhà nông với với doanh nghiệp ở vùng lúa - tôm. “Kiểu liên kết này nhằm mục đích “kéo” doanh nghiệp chuyên lúa và chuyên tôm cùng lúc “nhảy vào”, chia sẻ, đồng hành với nông dân vùng lúa - tôm, tạo ra những cánh đồng lớn cung ứng những sản phẩm chất lượng”, ông Thức chia sẻ.
Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2025, mô hình liên kết phát triển sản xuất giữa nhà nông với với doanh nghiệp ở vùng lúa - tôm đạt khoảng 5.000 ha. Từ khảo sát bước đầu đến hiện thực hoá mô hình, tuy còn cần thời gian nhưng một khi triển khai và được nhân rộng, Cà Mau sẽ hình thành được vùng hợp tác tư liệu sản xuất, kiểu “tích tụ ruộng đất” để tiến tới xuất hàng hoá lớn, tối ưu hoá được năng suất, chất lượng và lợi nhuận. Khi đó, nông - thuỷ sản của Cà Mau sẽ có nhiều hơn các chứng nhận quốc tế đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, như: USDA của Mỹ, EU của châu Âu và JAS của Nhật Bản... Đó cũng chính là những “tấm thẻ xanh”, giúp nông sản của Cà Mau rộng đường xuất ngoại.