Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ khai mạc Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 đã được chuẩn bị và triển khai thực hiện chu đáo, an toàn, hoành tráng, ấn tượng với sự tham dự của 1.200 đại biểu khách mời từ Trung ương, 13 tỉnh thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Lễ khai mạc được trực tiếp trên kênh truyền hình và được phát trên mạng xã hội có hơn 60.000 lượt người xem.
Trong chương trình lễ khai mạc, ban tổ chức đã trao bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho hai nhà tài trợ. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã công bố quyết định về việc công nhận kỷ lục Việt Nam đối với bức tranh ghép chủ đề “Cây lúa Sóc Trăng xưa và nay” làm từ gạo ST25 lớn nhất Việt Nam và trao bằng chứng nhận cho đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tại Liên hoan tiếng hát truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ lần thứ I, với 75 tiết mục với trên 100 nghệ nhân đến từ 4 tỉnh Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang và đơn vị tỉnh Sóc Trăng tham gia thi diễn.
Liên hoan góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc tham gia tổ chức Lễ hội. |
Trong khuôn khổ lễ hội, hoạt động Triển lãm ảnh về thành tựu kinh tế-văn hóa-xã hội-an ninh quốc phòng tỉnh Sóc Trăng năm 2023 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức đã thu hút trên 1.000 lượt khán giả đến xem. Tổng số ảnh được triển lãm dịp này là 114 ảnh phản ảnh những thành tựu nổi bật về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2023.
Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” lần IV năm 2023 và tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam “Bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST” diễn ra tại Công viên 30/4 thành phố Sóc Trăng, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã thu hút 26 doanh nghiệp, cơ sở, quán ăn và các nghệ nhân ẩm thực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tham gia với 22 gian hàng tiêu chuẩn, 20 quầy tre lá.
Các gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu và bán các món ăn, đặc sản, các loại bánh truyền thống, bánh dân gian của người dân Nam Bộ … Liên hoan ẩm thực đã thu hút hơn 7.000 lượt khách đến tham quan, doanh thu từ các gian hàng ước đạt trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, ban tổ chức đã phát tặng trên 2.200 ấn phẩm, quà tặng các loại.
Tại lễ khai mạc Liên hoan ẩm thực, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã đến dự và thẩm định chi tiết, kết cấu đối với Bức tranh ghép chủ đề “Cây lúa Sóc Trăng xưa và nay” làm từ gạo ST25 lớn nhất Việt Nam, có kích thước cao 4m, ngang 7m và độ dày 10mm, của tác giả Trần Đăng Nghiêm, do 10 nghệ nhân chế tác thủ công trong thời gian 30 ngày, lắp ghép từ 14 bức nhỏ được phủ sơn, chống thấm, chống nhiệt.
Hoạt động hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng năm 2023 và hội nghị giao thương, kết nối cung hàng hóa - tỉnh Sóc Trăng năm 2023 tại khu đô thị 5A, phường 4, thành phố Sóc Trăng, do Sở Công thương chủ trì tham mưu tổ chức.
Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng năm 2023 có 209 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố trong và ngoài tỉnh tham gia 319 gian hàng. Sản phẩm tham gia hội chợ gồm có: Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong khuôn khổ hội chợ, ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi trưng bày sản phẩm và bình chọn gian hàng đẹp cho 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Sóc Trăng tham gia.
Hằng đêm, tại hội chợ có chương trình biểu diễn văn nghệ, nghệ thuật hàng đêm do các ca sĩ, nghệ sĩ, chương trình đờn ca tài tử, chương trình thi hát karaoke. Lượng khách tham quan đạt hơn 280.000 lượt. Tổng doanh số bán của các doanh nghiệp tham gia hội chợ hơn 50 tỷ đồng; các doanh nghiệp đã ký được khoảng 50 hợp đồng làm đại lý, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tổng trị giá hợp đồng khoảng 10 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ hội chợ, hội nghị giao thương, kết nối cung hàng hóa - tỉnh Sóc Trăng năm 2023 với sự tham gia của hơn 150 đại biểu; hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, đặc sản, đặc trưng, chủ lực của tỉnh Sóc Trăng và một số tỉnh, thành phố; đại diện các cơ quan truyền thông Trung ương và các địa phương. Kết quả, hội nghị đã ký kết 25 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với các siêu thị, hệ thống phân phối trong cả nước.
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo đã trở thành ngày hội lớn của cộng đồng các dân tộc khu vực Nam Bộ. |
Trình diễn Lôi Protip (Thả đèn nước) và ghe Cà Hâu trên sông Maspero với sự tham gia trình diễn của 20 chiếc đèn nước và 3 ghe Cà Hâu đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là một trong những điểm nhấn sắc màu văn hóa du lịch của Sóc Trăng trong Lễ hội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ban Quản trị chùa Khleang tổ chức phục dựng Lễ Oóc Om Bóc (Lễ Cúng Trăng) theo nghi thức truyền thống thu hút trên 1.000 lượt du khách đến tham quan.
Tại Giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023, tại khán đài đua ghe Ngo, thành phố Sóc Trăng, tổng số các đội ghe Ngo tham dự là 46 đội (40 đội ghe nam, 6 đội ghe nữ), khoảng 6.000 vận động viên. Qua hai ngày tranh tài sôi nổi với sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.
Nhận xét về Lễ hội, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Minh Lý cho rằng, tuy năm nay lễ hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, nhưng các nội dung hoạt động hiệu quả đã góp phần thành công cho lễ hội.
Kết quả này là do sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Sự phối hợp chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham gia Lễ hội; các đơn vị chuẩn bị tốt mọi công tác luôn đạt hiệu quả cao, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong công chúng và du khách đến tham quan, trải nghiệm ngày hội lớn của tỉnh.
Thông qua các hoạt động của lễ hội năm nay, mặc dù là với quy mô cấp tỉnh, nhưng tỉnh rất phấn khởi khi đã thu hút được khoảng 250.000 lượt đại biểu và du khách, trong đó có gần 1.000 khách quốc tế về tham gia và tham quan các hoạt động.
Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban tổ chức lễ hội thông tin, theo định kỳ, Lễ hội sẽ tổ chức ở cấp khu vực vào năm 2024. Để Lễ hội được nâng tầm vị trí mới, Ban tổ chức đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng chấp thuận nâng cấp lên thành lễ hội cấp quốc gia và trong giải Đua ghe Ngo sẽ mời 2 nước láng giềng Lào và Campuchia sang giao lưu thi đấu. Để phong phú thêm cho Lễ hội năm 2024, tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức “Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch” trong khuôn khổ Lễ hội.