Tại nhiều tuyến đường trong khu vực nội thành thành phố vẫn còn hình ảnh những chiếc xe ô-tô lẫn xe thô sơ vận chuyển rác hoạt động vào ban ngày, bãi rác tự phát, kênh, rạch, dạ cầu, gốc cây, vỉa hè vương vãi đủ loại rác, bốc mùi hôi thối khó chịu. Trên các dòng kênh, rạch lớn như Tân Hóa-Lò Gốm, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tàu Hủ-Bến Nghé, rạch Xuyên Tâm, rạch Lăng…, nhiều loại rác thải trôi dạt, nổi lềnh bềnh.
Dù đã có thùng rác nhưng ở nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến đường có nhiều quán ăn uống hoặc cửa hàng kinh doanh vẫn xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi cạnh những gốc cây, trụ điện; chẳng hạn như các con đường Nguyễn Tri Phương, Cách Mạng Tháng Tám (Quận 10), Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch (Quận 3), Hoàng Sa, Trường Sa (Quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận), Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh)…
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng vứt rác thải bừa bãi là do ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường của không ít cá nhân, doanh nghiệp còn thấp. Khi làm việc, sinh hoạt trong không gian công cộng, người dân chưa có thói quen bỏ rác đúng chỗ. Thậm chí, nhiều người còn có suy nghĩ, rác thải đã có công nhân vệ sinh dọn dẹp, cứ vô tư vứt rác.
Hệ quả, nhiều người đã hình thành nếp suy nghĩ, việc vứt rác xuống lòng, lề đường, kênh, rạch… của mình lẫn người khác là chuyện bình thường; ai xả rác tùy tiện là chuyện riêng của người ta, không ảnh hưởng đến mình, việc vệ sinh không gian công cộng là nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách vệ sinh môi trường đô thị.
Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật về công tác thu gom, xử lý rác thải; phát hiện, xử lý đối tượng vi phạm còn bất cập, chưa đủ sức răn đe cho nên một bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn không e ngại, có tâm lý nhờn luật.
Pháp luật đã có các quy định xử phạt (Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 55/2021/NĐ-CP về sửa đổi mức phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường), vấn đề còn lại là chính quyền, cơ quan chức năng cần thực thi thường xuyên, mạnh mẽ và quyết liệt hơn, nên áp dụng cả hình thức phạt nguội.
Cùng với đó, quy định rõ hơn trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường; trong đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe và cải thiện ý thức của người dân.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường, rác thải thông qua việc sử dụng các phần mềm theo dõi, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu gom rác thải sinh hoạt và giảm nạn xả rác bừa bãi.