Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ bí mật nhà nước

Việc bảo mật dữ liệu quốc gia trong kỷ nguyên số hiện nay đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Thực tế cho thấy tình trạng để lộ bí mật nhà nước không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chưa kể việc lộ bí mật nhà nước qua mạng internet đang là một trong các hình thức bị các đối tượng phản động, thù địch triệt để lợi dụng nhằm chống phá đất nước, chế độ.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tập huấn Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Ảnh: hatinh.gov.vn
Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tập huấn Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Ảnh: hatinh.gov.vn

Dữ liệu có vai trò quan trọng đối với các quốc gia cũng như mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hệ thống cơ sở dữ liệu của mỗi quốc gia được tạo lập, lưu trữ và xử lý sẽ truyền tải nhiều thông tin đến người sử dụng, trong đó bao gồm cả những thông tin quan trọng quyết định đến sự an toàn, ổn định và phát triển vững mạnh của một quốc gia.

Khi các thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu này được xây dựng và lắp đặt đồng bộ, hiện đại sẽ tạo ra kho dữ liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng nếu không bảo mật được thông tin, hệ thống dữ liệu này sẽ trở thành mục tiêu tấn công, chiếm đoạt hay phá hoại của các thế lực thù địch và tội phạm công nghệ cao.

Theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Việc bảo vệ bí mật nhà nước được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, Luật quy định bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thực tiễn cho thấy hệ thống dữ liệu tại Việt Nam thời gian qua luôn đặt trong tình trạng báo động bởi nguy cơ tấn công mạng, bị lộ hay chiếm đoạt thông tin.

Tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng internet (chiếm 79,1% dân số), trong đó có 70 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó chủ yếu là Facebook (66,20 triệu người). Các tỉnh, thành phố đều có các cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng internet (chiếm 79,1% dân số), trong đó có 70 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó chủ yếu là Facebook (66,20 triệu người).

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi từ việc ứng dụng sự phát triển và sử dụng hiệu quả internet thì những nguy cơ do việc lộ bí mật nhà nước qua mạng internet chiếm tỷ lệ cao về số vụ (chiếm 66% số vụ).

Theo thống kê của Bộ Công an trong giai đoạn từ 2015-2021 có hơn 48.500 lượt trang/cổng thông tin điện tử có tên miền “.vn” của Việt Nam bị tin tặc tấn công, trong đó có hơn 4.000 cuộc tấn công vào các trang dữ liệu thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước; phát hiện ra hơn 350 vụ làm lộ, mất bí mật nhà nước trên không gian mạng.

Thống kê cũng cho biết bí mật nhà nước bị lộ qua việc đăng tải công khai thông tin trên các website và cổng thông tin, trang điện tử của các cơ quan nhà nước, ban, ngành,… là phổ biến nhất, chiếm 57,7% trên tổng số vụ lộ bí mật nhà nước, trong đó tập trung chủ yếu là cơ quan cấp cơ sở (cấp tỉnh và cấp huyện).

Nhiều văn bản được các cơ quan này tải lên toàn văn dưới dạng file văn bản, file PDF, hoặc dạng ảnh chứa nội dung thuộc danh mục bí mật nhưng lại không đóng dấu xác định độ mật trên văn bản.

Bên cạnh đó là việc sử dụng dịch vụ thư điện tử như Gmail, Yahoo Mail để gửi, nhận tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước (chiếm 1,6% trên tổng số vụ lộ, lọt bí mật thông tin).

Cá biệt một số cá nhân, tổ chức lập ra các trang mạng (website) công khai mua, bán, trao đổi tài liệu như luận án, luận văn, đề tài khoa học có chứa thông tin thuộc bí mật nhà nước.

Mặt khác một số báo điện tử, trang thông tin điện tử khi đăng tin, bài đã cung cấp các số liệu vẫn còn trong giai đoạn dự thảo đang được bàn thảo hay đăng tải toàn văn bản đóng dấu đỏ của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến nội dung bài báo đề cập.

Bên cạnh đó, việc để lộ bí mật nhà nước qua các trang mạng xã hội chiếm tới 9,3%, tiêu biểu là Facebook, Zalo… cũng đang có chiều hướng gia tăng. Hiện trạng nêu trên cho thấy mức độ đáng báo động trong vấn đề bảo mật thông tin.

Lợi dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới các tổ chức khủng bố, tổ chức phản động cũng thường xuyên đăng tải những nội dung bịa đặt, có tính chất bôi nhọ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và rêu rao các thông tin sai sự thật kèm theo những nhận định mang tính xuyên tạc nhằm kích động quần chúng.

Đồng thời, các đối tượng chống phá dùng nhiều phương thức, thủ đoạn hòng tấn công vào hệ thống mạng máy tính, các cổng thông tin điện tử để đánh cắp tài liệu bí mật nhà nước, sau đó đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội nhằm thu hút các lượt tương tác, qua đó móc nối, lôi kéo hình thành các hội nhóm trá hình trên không gian mạng.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, lực lượng chức năng của Việt Nam phát hiện có hơn 875 hội, nhóm phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia trên trang Facebook, trong đó hội nhóm của các đối tượng, tổ chức phản động có hoạt động chống phá Việt Nam cực đoan chiếm gần 20%. Các hội nhóm này luôn tìm cách để kích động trên không gian mạng, kêu gọi người dân gây rối, biểu tình, bất hợp tác với chính quyền.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, lực lượng chức năng của Việt Nam phát hiện có hơn 875 hội, nhóm phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia trên trang Facebook, trong đó hội nhóm của các đối tượng, tổ chức phản động có hoạt động chống phá Việt Nam cực đoan chiếm gần 20%.

Cùng với đó, từ bên ngoài, các tổ chức, đối tượng phản động, thiếu thiện chí không ngừng tích cực hỗ trợ kinh phí để tập hợp lực lượng chống phá ở trong nước.

Các đối tượng huy động mọi nguồn lực nhằm thu thập tin tức nội bộ, đặc biệt là các thông tin về chiến lược phát triển kinh tế, chiến lược biển, kết quả công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng trên các địa bàn trọng điểm… để xuyên tạc, phát tán nhằm phá hoại nội bộ, gây hoài nghi và suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lộ, lọt bí mật nhà nước. Về nguyên nhân khách quan là do hạ tầng kỹ thuật nhằm bảo vệ bí mật nhà nước được lưu trữ trong hệ thống mạng máy tính tại một số cơ quan, đơn vị còn lạc hậu, chậm cập nhật, chưa đủ mạnh để chống đỡ được các đợt tấn công mạng, gián điệp mạng của các nhóm tin tặc, phản động.

Bên cạnh đó hiện nay có nhiều phần mềm được tự động sao lưu trên các máy chủ đặt tại nước ngoài hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị do đó nếu bị tấn công truy cập trái phép cũng là nguyên nhân khiến cho thông tin bị chiếm đoạt. Qua công tác giám sát an ninh mạng của lực lượng chức năng cho thấy một số lượng lớn cổng thông tin, trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước tồn tại lỗ hổng bảo mật.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan của việc để lộ bí mật nhà nước là do chưa có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về công tác bảo mật cũng như mất cảnh giác, buông lỏng trong hoạt động lưu trữ, kiểm duyệt và sử dụng tài liệu mật. Một số cán bộ thiếu cẩn trọng, tự ý sử dụng điện thoại thông minh kết nối mạng để sao chụp và gửi thông tin thuộc dạng mật thông qua mạng di động, mạng xã hội.

Một bộ phận người nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chưa nhận thức rõ việc đưa tài liệu mật trong các công trình nghiên cứu cho phép truy cập tại các hệ thống thư viện mở hay chính các cán bộ thư viện thiếu trình độ vô tình đăng tải các công trình có chứa tài liệu mật trên các website.

Cá biệt có một số trường hợp vì bất mãn, hiềm khích, mâu thuẫn cá nhân cho nên đã cố tình để lộ bí mật nhà nước mà mình nắm giữ hoặc tình cờ có được. Thực tế cho thấy các vụ lộ bí mật nhà nước trong nhiều trường hợp đã để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến lực lượng chức năng gặp phải nhiều khó khăn trong công tác khắc phục.

Từ thực trạng về tình hình lộ bí mật nhà nước, nhất là việc để lộ bí mật nhà nước trên mạng internet rất đáng báo động hiện nay đặt ra yêu cầu đối với các chủ thể trong việc nêu cao ý thức, trách nhiệm và chủ động phòng ngừa và có những biện pháp nhằm chống việc lộ bí mật nhà nước.

Mỗi cán bộ trong các cơ quan, ban, ngành cần thường xuyên nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng, nhất là những thông tin thuộc hạng mục chưa được công bố; đồng thời cần gắn trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan trong công tác bảo mật, đào tạo kỹ năng cho cán bộ sử dụng công nghệ với yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu; bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp về khoa học công nghệ để bảo vệ bí mật nhà nước nhằm chống lộ bí mật trên không gian mạng.

Công tác quản lý, sử dụng, truyền đưa tài liệu chứa nội dung bí mật nhà nước cần được quy định chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó bao gồm cả công tác xử lý hành vi vi phạm đủ sức răn đe nhằm cảnh báo và chấn chỉnh hành vi của một bộ phận cán bộ, đảng viên phải tuân thủ các quy định về bảo mật và chống lộ, lọt bí mật.