Trong khi có nhiều thanh niên tình nguyện tham gia vào các hoạt động mang ý nghĩa xã hội, giúp đỡ cộng đồng: vá xe lưu động miễn phí; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường..., góp phần giữ gìn và làm đẹp hơn những giá trị thiêng liêng vốn có của lễ hội; thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ những người trẻ đã tự làm xấu hình ảnh của mình khi có những hành vi phản cảm, thái quá. Việc thực hành tín ngưỡng ở các lễ hội, dù chỉ là tái hiện, mang tính trình diễn cũng không nên để dẫn đến ẩu đả hoặc gây mất mỹ quan lễ hội. Ấy là cảnh tượng ẩu đả hỗn loạn diễn ra tại Lễ hội Ðền Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khi hàng chục thanh niên sẵn sàng dùng gậy vụt vào đội bảo vệ kiệu rước chỉ để tranh cướp hoa tre. Ðó còn là cảnh hò hét, giẫm đạp lên nhau của hàng trăm trai tráng tại Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) làm náo loạn cả khúc sông Thao... Những ứng xử kém văn minh này đã góp phần làm méo mó những giá trị vốn có của lễ hội.
Lâu nay, lễ hội dù được tổ chức ở bất cứ đâu với quy mô to hay nhỏ cũng vẫn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là nơi để công chúng trở về với cội nguồn dân tộc, nguyện cầu những tốt lành. Ðối với thanh niên nói riêng, lễ hội còn là nơi để tìm hiểu lịch sử dân tộc, tưởng nhớ công ơn tiên tổ và rộng hơn là mở ra không gian để giao lưu bạn bè, tham dự vào những trò chơi dân gian mang đậm yếu tố văn hóa truyền thống. Song có một thực tế là dường như, không ít người trẻ đang đến với lễ hội bằng tâm thế của những kẻ "đi cho biết", nói như các cụ là "vui đâu chầu đấy" chứ không phải để thực hành tín ngưỡng hay giải tỏa tinh thần... Họ đổ xô đi lễ hội nhưng không phải ai cũng hiểu được thần tích, không gian văn hóa, đối tượng hành lễ hay giá trị riêng của lễ hội họ tham gia, thế nên dẫn tới những thái độ ứng xử lệch chuẩn, những hành vi kém văn minh làm suy giảm vẻ đẹp và giá trị của lễ hội. Nếu hiểu cướp hoa đăng hay cướp phết... chỉ là hoạt động hoạt náo, vui vẻ trong lễ hội, chứ đánh nhau để giành lộc, lộc cũng chẳng bao giờ đến tay thì chắc chắn đã không xảy ra những cảnh tượng náo loạn. Tương tự, nếu ai cũng hiểu, đi lễ chỉ để cầu bình an chứ không phải để mua chuộc thần linh, cầu danh, cầu lợi thì sẽ không diễn ra tình trạng rải tiền lẻ vô tội vạ, mê tín dị đoan giúp những kẻ chuyên trục lợi từ lễ hội có cơ kiếm chác. Hay nếu ai cũng hiểu đến với lễ hội là đến với không gian văn hóa linh thiêng, thì sẽ không có chuyện uốn éo đủ tư thế ở mọi lúc, mọi nơi để chụp ảnh "tự sướng", cũng không có chuyện nhiều người phải "nóng mắt" với cách ăn mặc hở hang, cũn cỡn của nhiều bạn trẻ...
Tính đến nay, cả nước ta có hơn 8.000 lễ hội, tức là trung bình mỗi ngày có khoảng 20 lễ hội lớn nhỏ diễn ra. Tuy nhiên, không phải lễ hội nào cũng còn giữ được bản sắc riêng. Nhiều lễ hội được tổ chức lại theo kiểu nâng tầm và đưa thêm nhiều sự kiện khác vào, vô tình đã làm lu mờ hoạt động hạt nhân trong lễ hội. Bởi thế, đối với thanh niên, văn hóa ứng xử thể hiện trước hết ở việc biết cách lựa chọn những lễ hội nào để tham gia sao cho vừa phù hợp với điều kiện thời gian, điều kiện tài chính, điều kiện sức khỏe, vừa phù hợp với nhu cầu được đáp ứng về mặt tinh thần của bản thân. Trong thời đại công nghệ thông tin, thanh niên hơn ai hết phải biết cách tự tìm hiểu về ý nghĩa đích thực của các lễ hội để lựa chọn phù hợp. Việc chủ động tìm hiểu về từng lễ hội trước khi tham gia cũng là cách biến mình thành chủ thể văn hóa của lễ hội chứ không còn là người ngoài cuộc. Và đương nhiên, khi đã hiểu và trân trọng lễ hội, tức khắc thanh niên cũng sẽ hình thành cho mình những ứng xử phù hợp.
Ứng xử văn minh, lịch sự nơi đông người, nhất là ở những nơi linh thiêng, trang trọng là điều mà hầu hết những người trẻ đã được giáo dục từ nhỏ. Xả rác bừa bãi, ăn nói khiếm nhã, hút thuốc lá, hành động thô bạo..., nhất là ở chốn tôn nghiêm vẫn diễn ra bởi một bộ phận không nhỏ thanh niên vẫn thiếu ý thức. Sự biến tướng của lễ hội hôm nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có cả trách nhiệm thuộc về những người quản lý và cả những người tham dự lễ hội. Cũng không phải chỉ ở thanh niên mới xuất hiện những ứng xử thiếu văn minh. Song, để thay đổi diện mạo và tìm lại giá trị đích thực của lễ hội, trước hết, bản thân mỗi người trẻ nên có ý thức hành xử văn minh, lịch sự trong lễ hội.
Trong bối cảnh đổi mới, hội nhập, lễ hội giờ đây không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn đóng vai trò lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến thương mại, thu hút du lịch... Vì thế, việc nâng cao ý thức, cách ứng xử văn minh trong lễ hội là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu mà thanh niên cần phải trở thành lực lượng xung kích, đi đầu nhằm giữ gìn vẻ đẹp, giá trị của lễ hội nói riêng và khẳng định vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam nói chung.