Nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công (Tiếp theo)(*)

Bài 2: Nhiều khó khăn, vướng mắc
0:00 / 0:00
0:00
Đà Nẵng đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ đồng loạt triển khai nhiều dự án trọng điểm, động lực từ vốn đầu tư công. (Ảnh: THANH TÙNG)
Đà Nẵng đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ đồng loạt triển khai nhiều dự án trọng điểm, động lực từ vốn đầu tư công. (Ảnh: THANH TÙNG)

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương vừa qua ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan là do tâm lý sợ trách nhiệm, dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Tình trạng này cần sớm khắc phục để tạo điều kiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh, thành phố.

Lý giải về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào, cho rằng: Các quy định của pháp luật hiện nay chưa phù hợp thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp huyện được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách nhà nước; cũng như chưa phù hợp thực tiễn trong phân cấp quản lý nhà nước, thẩm quyền và trách nhiệm từng cấp ngân sách bị xáo trộn khi thực hiện theo Luật Đầu tư công.

Cụ thể hơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho rằng: Đối với vấn đề cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công khó xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn do vấn đề này phát sinh mang tính thường xuyên, đột xuất, cấp bách, dàn trải, nhỏ lẻ và khó dự báo được trong giai đoạn 5 năm. Trong khi đó, tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định về phạm vi áp dụng “bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công”, không áp dụng với việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng gây khó khăn cho các đơn vị khi có nhu cầu. Mặt khác, khi vấn đề phát sinh thì nguồn vốn đầu tư công không còn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, một trong những nguyên nhân công trình kéo dài trong thời gian qua vẫn là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (giải phóng mặt bằng) gặp khó khăn. Người dân chủ yếu còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án đầu tư chưa thật sự đầy đủ, khảo sát, thiết kế không kỹ, còn chủ quan trong quá trình áp giá bồi hoàn dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ và khả năng cân đối nguồn vốn, mất nhiều thời gian. Công tác phối hợp, triển khai thủ tục đầu tư, đặc biệt là trong việc điều chỉnh dự án, lập và trình thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán của các chủ đầu tư còn chậm.

Bên cạnh đó, trước biến động giá vật liệu xây dựng, tình trạng khan hiếm cục bộ vật liệu xây dựng đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các công trình giao thông trọng điểm của Cần Thơ như: Đường vành đai phía tây, dài gần 20km, đi qua năm quận, huyện hay dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (đoạn qua thành phố Cần Thơ dài hơn 37km)...

Các dự án này có hàng nghìn hộ bị giải tỏa nhưng Cần Thơ không có sẵn các khu tái định cư, đồng thời, việc áp giá bồi thường, tái định cư chậm do một bộ phận lãnh đạo, chủ đầu tư e ngại, sợ trách nhiệm khi phê duyệt giá đất... dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài.

Tại Đồng Nai, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, do một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư cho nên chưa đủ điều kiện phân bổ vốn. Cùng với đó, một số dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2023 bố trí vốn chuyển tiếp, tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm 2023 chưa cao do phải hoàn thành phần tạm ứng hợp đồng. Ngoài ra, một số dự án phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng phải đến quý III mới hoàn thành thủ tục chi trả cho người dân cho nên các tháng đầu năm chưa có khối lượng để thanh toán.

Ông Nguyễn Quá, người dân xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Nhà tôi trong diện giải tỏa để làm đường vành đai phía tây, trong khi người dân chờ có khu tái định cư mới bàn giao được mặt bằng cho dự án. Vậy mà chờ gần hai năm, đường đã mở tới sát vườn nhà mà khu tái định cư vẫn chưa xong. Theo tôi, Nhà nước cần làm các khu tái định cư trước, rồi mới làm đường sau thì người dân đỡ khó khăn, vất vả hơn, và dự án cũng không bị phê bình là chậm tiến độ”.

Về nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng: Việc triển khai các bước trong quá trình đầu tư còn vướng mắc do hệ thống pháp luật liên quan chưa đồng bộ.

Về chủ quan, năng lực của một số cán bộ công chức, viên chức của các đơn vị chủ đầu tư, quản lý dự án, đơn vị giải phóng mặt bằng còn hạn chế; công tác điều hành có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, quyết liệt trong công tác triển khai; công tác phối hợp các sở, ngành và các đơn vị liên quan còn chưa chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xử lý hồ sơ, thủ tục xây dựng, đền bù giải tỏa. Một số cán bộ còn tâm lý lo sợ sau khi hàng loạt cán bộ lãnh đạo và chuyên viên của Đà Nẵng bị xử lý kỷ luật, bị khởi tố, truy tố và vào tù vì liên quan đến các sai phạm về đất đai, đền bù giải tỏa… cho nên tìm cách tránh né, đùn đẩy trách nhiệm.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, bên cạnh những yếu tố khách quan, công tác giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc, tập trung vào một số nhóm nguyên nhân như: Các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đầy đủ hoặc chưa rõ ràng, thống nhất trong hệ thống pháp luật; cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn bất cập, làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án; quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm còn phức tạp, cần báo cáo nhiều cấp, nhiều ngành, gây mất nhiều thời gian; quy trình, thủ tục đầu tư các dự án còn phức tạp, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng; vướng mắc liên quan đến quy định về khai thác tài nguyên, khoáng sản và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ các dự án đầu tư công, nhất là đối với đất san lấp, cát, sỏi; năng lực thực thi của một số cơ quan, đơn vị, nhà thầu còn yếu kém; một số nơi còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, chưa thật sự quyết liệt trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công...

Phát biểu tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 9/5/2023, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ chỉ đạo: Cần khắc phục một bộ phận (cán bộ), chưa biết là lớn hay nhỏ, cả Trung ương và địa phương lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm. Việc của mình đẩy cho người khác, việc cấp dưới thì đẩy cho cấp trên. Những việc này có phải là nguyên nhân chính, chủ yếu bây giờ không, cứ phải nói thẳng ra rồi tập trung vào khâu yếu này.

“…Thực tế ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…”.

(Công điện số 280/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)

(Còn nữa)

---------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 2/6/2023.