Nâng cao trách nhiệm nêu gương

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc câu "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Theo Bác, câu nói đó là một lời khen chân thành đối với cán bộ, đảng viên và cũng là đòi hỏi của chính nhân dân. Ðã là cán bộ, đảng viên thì phải tiên phong, gương mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Ðoàn viên thanh niên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn tiểu thương ở chợ sử dụng mã QR thanh toán trực tuyến. (Ảnh THU TRANG)
Ðoàn viên thanh niên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn tiểu thương ở chợ sử dụng mã QR thanh toán trực tuyến. (Ảnh THU TRANG)

Nêu gương đang trở thành nhân tố tích cực nhằm đẩy lùi tiêu cực, suy thoái, trở thành yêu cầu tất yếu trong đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng. Thực tiễn tại tỉnh Bắc Kạn cho thấy đây là vấn đề luôn mới mẻ, cần được thường xuyên trau dồi, rèn luyện.

Nêu gương, tiên phong

Con đường dẫn vào thôn Nà Vả, xã Quang Phong, huyện Na Rì đã "khoác" lên diện mạo mới. Cổng chào thiết kế gọn, tiết kiệm nhưng vẫn nổi bật hình ảnh cờ Ðảng và cờ Tổ quốc. Ðường bê-tông sạch đẹp dẫn vào thôn thay cho con đường lầy lội khi mưa, bụi khi nắng trước đây. Có được kết quả này, cùng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, có phần đóng góp của các đảng viên và nhân dân trong thôn.

Hiến đất để làm đường là câu chuyện không mới. Ở Quang Phong, vấn đề này được đưa ra bàn thảo và không ít ý kiến trái chiều, băn khoăn, lo lắng sinh kế khi hiến đất. Lúc này, vai trò nêu gương của các đảng viên trong chi bộ thôn đã được phát huy. Bà Hà Thị Thắm, ở thôn Nà Vả chia sẻ: "Là một đảng viên, bản thân tôi và gia đình luôn nhận thức phải thực hiện tốt các chủ trương, chính sách. Ðặc biệt khi triển khai làm đường giao thông nông thôn, mình phải tuyên truyền, tiên phong để bà con thấy rõ lợi ích lâu dài của con đường".

Thôn Nà Vả có 61 hộ với 32 đảng viên. Bí thư Chi bộ thôn Nà Vả Nông Thị Hậu cho biết: Việc tiên phong của các đảng viên với tinh thần "đường đi qua đất nhà ai thì nhà đó xung phong hiến" đã tạo sự lan tỏa. Thấy được sự nêu gương và lợi ích của con đường, bà con hăng hái, nhiệt tình tham gia. Ðến nay, toàn thôn đã bê-tông hóa hơn 2km đường, trong đó toàn bộ đất để mở đường đều do đảng viên, nhân dân trong thôn tình nguyện hiến.

Tháng 8/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Quy định số 2905-QÐ/TU về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Từ năm 2019 đến nay, các cấp ủy ở Bắc Kạn thực hiện 367 cuộc tiếp công dân với 387 người dân có đơn. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tiếp nhận 509 đơn, thư; Bí thư các huyện ủy, thành ủy tiếp nhận 459 đơn, thư; Bí thư Ðảng ủy các xã, phường, thị trấn tiếp nhận 220 đơn, thư. Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Kạn, từ năm 2020 đến nay, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra đối với 666 tổ chức đảng và 3.078 đảng viên, giám sát chuyên đề đối với 363 tổ chức đảng và 933 đảng viên, thi hành kỷ luật đối với ba tổ chức đảng và 133 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện kiểm tra đối với 986 tổ chức đảng và 65 đảng viên, giám sát chuyên đề đối với 308 tổ chức đảng và 448 đảng viên, thi hành kỷ luật 66 đảng viên. Việc kiên quyết xử lý đảng viên, người đứng đầu có vi phạm cũng là cách để Bắc Kạn triển khai nêu gương đi vào thực chất, hiệu quả.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bắc Kạn, việc nêu gương của một số cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa. Việc sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra của một số tập thể, cá nhân còn chậm. Ðiều đó đặt ra đòi hỏi cần triển khai đồng bộ hơn nữa việc nâng cao nhận thức với lượng hóa trách nhiệm nêu gương bằng các quy định cụ thể trong thời gian tới.

Tạo thành nền nếp

Bắc Kạn có hơn 36.000 đảng viên, chiếm 11% dân số của tỉnh, tỷ lệ cao so với cả nước. Ðiều đó đồng nghĩa nếu mỗi đảng viên thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương sẽ tạo ra sức mạnh chính trị lớn. Chương trình trọng tâm trong Nghị quyết đại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với những "từ khóa": "… tận tâm với công việc, tâm huyết với quê hương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới".

Bắc Kạn đã thể chế hóa trách nhiệm nêu gương bằng các quy định cụ thể với mục tiêu rèn luyện, sớm hình thành nếp trách nhiệm nêu gương hằng ngày trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Lượng hóa trách nhiệm, Bắc Kạn đã có Quy định số 01-QÐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ðể đưa cán bộ, đảng viên gần dân, hiểu dân, Bắc Kạn có Kế hoạch số 130-KH/TU về việc dự sinh hoạt chi bộ với cấp cơ sở. Ðể giám sát, Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 109-KH/TU về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị "tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa" theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Tỉnh ủy có Quy định số 1496-QÐ/TU về trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh; Chỉ thị số 26-CT/TU về nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ và "Nói không với tiêu cực" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn…

Ði đôi với nêu gương, Bắc Kạn chú trọng phê bình, tự phê bình; gắn kiểm điểm với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2022, Tỉnh ủy Bắc Kạn yêu cầu đối với cá nhân, phải xác định, cam kết ít nhất ba việc, gồm: nâng cao chất lượng, hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao; khắc phục những yếu kém, hạn chế đã được chỉ ra; trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội.

Thực hiện "tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa", đến nay đã có 262/262 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và 11/11 cấp ủy cấp huyện đã thực hiện "tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa". Việc tổ chức kiểm điểm được thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ; không bao che, không lợi dụng kiểm điểm để bôi xấu, "hạ bệ". Sau kiểm điểm, từng đồng chí xây dựng kế hoạch cụ thể sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.

Ðưa nêu gương dần trở thành nền nếp đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của Bắc Kạn. Sự đánh giá của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp là "thước đo" chính xác nhất về trách nhiệm nêu gương. Năm 2022, lần đầu tiên Bắc Kạn đưa chỉ số Vai trò của người đứng đầu vào trong báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, sở, ban, ngành (DDCI). Ðiểm chỉ số này của Bắc Kạn năm nay là 17,28 điểm, ở mức trung bình cao so với mặt bằng chung các chỉ số thành phần. Ðiều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp phần lớn ủng hộ và đặt niềm tin vào các lãnh đạo địa phương, đồng thời đánh giá cao vai trò, tính sáng tạo, quyết đoán của người đứng đầu trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Dẫn đầu chỉ số này là huyện Chợ Ðồn với 18,79 điểm, tiếp đó là huyện Ba Bể với 18,57 điểm, xếp cuối bảng là huyện Na Rì với 15,63 điểm.

Năm 2022 là năm thứ sáu liên tiếp Bắc Kạn tăng hạng trong bảng xếp hạng PCI. Năm 2022, tỉnh tăng 13 bậc, xếp thứ 35 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bắc Kạn nằm trong tốp 10 tỉnh có điểm số cao nhất ở các chỉ số tính minh bạch, chi phí thời gian và tính năng động, tiên phong. Ðặc biệt, năm 2022, chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu tiên được đưa vào báo cáo PCI và Bắc Kạn là một trong 10 tỉnh có chỉ số PGI cao nhất cả nước.

Ðể tiếp tục nâng cao trách nhiệm nêu gương, năm 2023, tỉnh Bắc Kạn chọn chủ đề "Nêu cao tinh thần tự giác, tích cực, chủ động và nêu gương của cán bộ, đảng viên nhằm nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương" để triển khai học, làm theo Bác với nhiều giải pháp thực hiện.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn Trần Thị Lộc, các cấp ủy phải làm tốt và thường xuyên, liên tục quán triệt, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấu hiểu việc nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải thông qua thực tiễn, bằng những việc làm cụ thể. Trọng tâm là nêu gương trong đổi mới tư duy; trong hành động triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; trong cải cách hành chính, tác phong, lề lối làm việc; nhân rộng điển hình tiên tiến trong các cơ quan, đơn vị… Từ đó cụ thể hóa nêu gương trong từng việc làm, từ việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đến trách nhiệm với nhân dân; nêu gương mọi lúc, mọi nơi.