Nâng cao nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài

Công tác khuyến học, khuyến tài để xây dựng xã hội học tập ở Thành phố Hồ Chí Minh đang được triển khai với nhiều nội dung quan trọng và đạt những kết quả tích cực, qua đó thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh thành phố tham quan Trung tâm STEAMZone, Công viên phần mềm Quang Trung.
Học sinh thành phố tham quan Trung tâm STEAMZone, Công viên phần mềm Quang Trung.

Thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như sự phối hợp hiệu quả của Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học các cấp. Nhiều địa phương, cơ quan đã tích cực tổ chức cho công chức, viên chức và người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Các mô hình học tập được triển khai thực hiện theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng.

Tính đến nay, 22/22 quận, huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn và được triển khai nghiêm túc. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Thành phố Hồ Chí Minh chưa tổ chức đánh giá, xếp loại đơn vị học tập. Năm 2022, có 19/22 quận, huyện, thành phố và năm 2023 có 21/22 quận, huyện, thành phố được đánh giá, xếp loại là đơn vị học tập cấp huyện.

Những kết quả này góp phần quan trọng để UNESCO công nhận Thành phố Hồ Chí Minh là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu vào tháng 2/2024. Đây không chỉ là vinh dự mà còn là thách thức bởi thành phố sẽ phải tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả các chương trình, chính sách khuyến học.

Theo ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Hội Khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập đã có được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân và toàn xã hội. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện thành công các mục tiêu trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập theo chủ trương, định hướng của các bộ, ngành Trung ương và định hướng phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh.

Để triển khai thực hiện công tác xây dựng, tổ chức đánh giá, công nhận đơn vị học tập, cũng như xây dựng xã hội học tập đạt kết quả cao nhất, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trước tiên, cần phải có nhận thức sâu sắc các mục đích, yêu cầu xây dựng đơn vị học tập gắn với mục đích xây dựng xã hội học tập về các mục tiêu khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc học tập, tạo động lực học tập.

Đồng thời, cần bảo đảm cơ hội học tập công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên đơn vị tự học, học tập thường xuyên để trở thành "Công dân học tập", góp phần xây dựng "Cộng đồng học tập" cấp xã, huyện, thành phố, đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; tăng cường công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong việc triển khai xây dựng đơn vị học tập cấp huyện, cấp thành phố.

Xây dựng đơn vị học tập cần kết hợp với xây dựng các mô hình học tập từ cơ sở, phường, xã đến thành phố theo phương châm: "Công dân học tập", "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập", "Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO"; đẩy mạnh công tác truyền thông xã hội học tập, chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình triển khai, đánh giá, công nhận "Đơn vị học tập"…

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 310 Hội Khuyến học phường, xã và hơn 4.640 Chi hội Khuyến học với gần 1,5 triệu hội viên. Trong tổng số gần 1,5 triệu hội viên, có 82,5% hội viên xây dựng quỹ khuyến học gia đình. Có thể nói, Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm, chú trọng đến công tác khuyến học, khuyến tài và thúc đẩy một xã hội học tập suốt đời. Để phát triển một xã hội học tập, thành phố cần có các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, bao gồm chính quyền, các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, thành phố cần xây dựng các chính sách khuyến khích học tập suốt đời; đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm học tập cộng đồng, thư viện, cơ sở giáo dục ngoài công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của mọi tầng lớp dân cư; xây dựng và đa dạng hóa các chương trình, phương thức học tập; thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp; phát triển nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và chuyên gia…

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Công tác khuyến học, khuyến tài không chỉ là trách nhiệm của riêng Hội Khuyến học mà cần sự phối hợp của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội; đồng thời, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò quan trọng của học tập suốt đời. Chỉ khi mọi người đều nhận thức được tầm quan trọng của việc học, từ đó biến nhận thức thành hành động cụ thể thì công tác khuyến học mới thật sự đạt được hiệu quả. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, theo dõi sát sao và đưa ra những chính sách phù hợp để thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài.