Nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa

Sau khi ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai Nghị quyết tới các sở, ngành, địa phương.
0:00 / 0:00
0:00

Do công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế còn mới mẻ, với những khái niệm mới, một số lĩnh vực mới du nhập vào Việt Nam, cho nên đòi hỏi một nhận thức mới.

Chẳng hạn, lĩnh vực phần mềm và các trò chơi giải trí trước đây thường được coi là những trò “vô bổ”, nhưng chúng lại đáp ứng nhu cầu giải trí của lớp trẻ. Nếu biết vận dụng phát triển, chúng ta có thể tạo ra những trò chơi lành mạnh, thậm chí có thể quảng bá văn hóa dân tộc thông qua nền tảng giải trí điện tử. Hay như lĩnh vực mỹ thuật, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, thời trang… lâu nay vẫn được xem như lĩnh vực của ngành văn hóa, giới nghệ sĩ, hay các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.

Do sự mới mẻ, việc “thẩm thấu” các nội dung, các lĩnh vực, các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, để từ đó vận dụng vào điều kiện cụ thể của ngành, của địa phương là điều không đơn giản. Thậm chí, một số ngành, địa phương chưa nhận thức rõ cấp ủy, chính quyền cần phải làm gì để phát triển công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế nhiều lĩnh vực. Ở đó, cấp ủy, chính quyền không phải là người trực tiếp tham gia. Chủ thể của công nghiệp văn hóa chủ yếu là giới văn, nghệ sĩ, là những doanh nghiệp tham gia kinh doanh trong 12 lĩnh vực khác nhau của công nghiệp văn hóa. Khi nhìn nhận như vậy, chúng ta sẽ nhận ra, không địa phương nào không có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá. Vai trò của cấp ủy, chính quyền ở đây là tạo dựng một môi trường, những điều kiện để những ngành công nghiệp văn hóa, những doanh nghiệp, những nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực nêu trên có thể phát triển.

Đó là sự thông thoáng về thủ tục hành chính; là những ưu đãi, khuyến khích trong đầu tư, là sự nhận diện cái gì mình có, cái gì mình thiếu để đề ra các chính sách thu hút doanh nghiệp, văn nghệ sĩ; là các biện pháp để hợp tác công-tư sao cho hiệu quả, khi phía cơ quan chính quyền quản lý hạ tầng, quản lý các thiết chế văn hóa.

Đã qua hơn nửa năm Nghị quyết 09-NQ/TU được ban hành, chuyển động của các ngành, các địa phương còn chưa đồng đều. Nhiều nơi vẫn chỉ biết đến hoạt động du lịch văn hóa và thủ công mỹ nghệ mới “gắn” với công nghiệp văn hóa, mà chưa có nhận thức đầy đủ về các lĩnh vực khác. Do đó, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức quán triệt tinh thần Nghị quyết sâu rộng hơn nữa, để từ đó nhận thức được thay đổi, nâng cao, các ngành, các địa phương có những chuyển biến cụ thể trong hành động ■