Nâng cao nhận thức, đầu tư thỏa đáng cho dinh dưỡng học đường

Khoa học chứng minh khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12, đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người. Theo các chuyên gia và nhà quản lý, vấn đề dinh dưỡng học đường cần được nhận thức đầy đủ, đầu tư thỏa đáng với những giải pháp thực thi hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình điểm giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thể lực, thay đổi nhận thức, thói quen ăn uống và vận động của học sinh.
Mô hình điểm giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thể lực, thay đổi nhận thức, thói quen ăn uống và vận động của học sinh.

Kinh nghiệm quốc tế

Nhật Bản đã trở thành minh chứng điển hình về cách một quốc gia sử dụng dinh dưỡng, được quy định bởi một “hành lang pháp lý” chuẩn mực để cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chất lượng sống của thế hệ trẻ. GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản chia sẻ Luật về dinh dưỡng học đường ở Nhật Bản ra đời từ sớm và có sự thay đổi theo từng giai đoạn, để phù hợp tình hình thực tế về tình trạng dinh dưỡng, kinh tế và xã hội. Luật vừa chuẩn hóa bữa ăn học đường vừa chú trọng phát triển giáo dục dinh dưỡng, tạo cơ sở vững chắc cho giáo dục trí tuệ, đạo đức và thể chất, mục tiêu nhằm giáo dục mỗi cá nhân trở thành người có khả năng nắm vững kiến thức về “thực phẩm và dinh dưỡng”, đồng thời biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với bản thân, giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.

Nâng cao nhận thức, đầu tư thỏa đáng cho dinh dưỡng học đường ảnh 1

GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II, chủ đề Dinh dưỡng Học đường năm 2024.

Trong bối cảnh đất nước khó khăn, ngay từ năm 1954 Nhật Bản đã ban hành Luật Bữa trưa học đường. Năm 2005, chính phủ Nhật Bản ban hành "Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng. Việc thúc đẩy thực hiện Luật góp phần đảm bảo tuổi thọ và đạt được cuộc sống năng động và hạnh phúc cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Đến nay, thanh niên Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc, chiều cao trung bình tăng trưởng vượt bậc (năm 2023 nam 1m72; nữ 1m58, trong top cao hàng đầu châu Á và top tốc độ tăng chiều cao trung bình hàng đầu thế giới).

Tại Mỹ, trường học là môi trường lý tưởng để khuyến khích trẻ em duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, bởi đây là nơi các em dành phần lớn thời gian hàng ngày. Chính phủ Mỹ đã đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dinh dưỡng, tập trung vào việc giảm thiểu lượng đường, muối và chất béo; chú trọng bổ sung rau củ, ngũ cốc và sữa tươi trong các bữa ăn học đường. Việc giáo dục dinh dưỡng còn được tích hợp vào chương trình học chính khóa, giúp trẻ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe.

Thông qua phương pháp tiếp cận hệ thống, nhà trường có thể trang bị cho học sinh kiến thức và sự hỗ trợ cần thiết để xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu nhằm đạt sự phát triển tối ưu về trí tuệ, thể chất và cảm xúc. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của giáo viên và phụ huynh sẽ góp phần tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho việc cải thiện dinh dưỡng không chỉ ở trường mà còn tại gia đình. ThS. Josselyn Neukom, chuyên gia dinh dưỡng cộng đồng từ tổ chức SwipeRx đánh giá, tiêu chuẩn dinh dưỡng mới nhất cho bữa ăn và đồ ăn vặt trong trường học tại Mỹ là tài liệu tham khảo hữu ích cho Việt Nam, đặc biệt trong việc khuyến khích tiêu thụ các loại rau xanh đậm, rau củ màu cam, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cùng với khuyến nghị về lượng đường, natri và chất béo bão hòa.

Nâng cao nhận thức, đầu tư thỏa đáng cho dinh dưỡng học đường ảnh 3

Các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II chủ đề Dinh dưỡng Học đường năm 2024.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng

Theo PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với: suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường. Một số mục tiêu cơ bản bao gồm: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% vào năm 2030; kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì cho trẻ từ 5-18 tuổi ở mức dưới 19% vào năm 2030; tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường, với mục tiêu 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn sẽ tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị vào năm 2025 và phấn đấu đạt tương ứng 90% và 80% vào năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và gia đình. Xây dựng các chính sách dinh dưỡng học đường cần tập trung nội dung: cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo; tiêu chuẩn bữa ăn học đường; giáo dục dinh dưỡng trong trường học; vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát cung ứng thực phẩm và suất ăn trường học, giáo dục thể chất; theo dõi sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ học đường; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ kinh phí tổ chức bữa ăn cho trẻ em, học sinh thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn..

GS.TS.BS. Lê Thị Hợp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết, trẻ em lứa tuổi học đường có tốc độ tăng trưởng nhanh với chiều cao trung bình tăng khoảng 6,2cm/năm, do đó cần được đáp ứng đầy đủ năng lượng tăng dần theo từng độ tuổi và dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Vitamin và khoáng chất không thể thiếu trong chế độ ăn hằng ngày của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện. Trong đó, các chất khoáng như: calci, phospho, magie… hình thành nên hệ xương và răng chắc khỏe, sữa tươi và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi dồi dào cho trẻ.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với vấn đề sức khỏe đã được xã hội, nhà trường và phụ huynh quan tâm. Với khát vọng vì tầm vóc Việt, vì sức khỏe cộng đồng, Tập đoàn TH đã tiên phong khởi xướng các cuộc cách mạng, các đề án về dinh dưỡng và đồng hành cùng Chính phủ trong các chương trình dinh dưỡng quốc gia. Các hoạt động về dinh dưỡng học đường giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để giúp cho trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này. Tuy nhiên chưa có luật về dinh dưỡng học đường để đảm bảo hoạt động dinh dưỡng trong trường học được triển khai tổng thể, đồng bộ và hiệu quả. GS.TS.BS. Lê Thị Hợp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam cho rằng luật hóa dinh dưỡng học đường là vấn đề cấp thiết, để có giải pháp bền vững và đồng bộ. Luật cũng là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh.

Góc nhìn khoa học từ mô hình điểm bữa ăn học đường

Với sự đồng hành của Tập đoàn TH, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên tại 10 tỉnh thành trên cả nước, đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam. Mô hình được triển khai bài bản, khoa học từ giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chọn điểm trường, điều tra tình trạng dinh dưỡng, đánh giá thể lực, kiến thức, thực hành dinh dưỡng của cán bộ chuyên trách, thầy cô giáo và học sinh, và điều kiện cơ sở vật chất, cách thức tổ chức bữa ăn bán trú, mức thu, khẩu phần thực đơn… từ đó thực hiện các can thiệp phù hợp cho từng địa phương, vùng miền, đồng thời giám sát, đánh giá hiệu quả một cách khoa học. Can thiệp chính của mô hình điểm là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, bữa phụ chiều sử dụng 1 ly sữa tươi để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất (qua 130 bài tập vận động và 60 trò chơi vận động được biên soạn, phù hợp với từng lứa tuổi) giúp học sinh tăng cường sức khỏe và phát triển thể lực.

Hiệu quả rõ nét của mô hình điểm về cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thể lực, thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống và vận động của học sinh, được phụ huynh và nhà trường đánh giá cao. Nhóm học sinh mầm non chiều cao trung bình tăng khoảng 3,63cm và cân nặng trung bình tăng 1,2kg, nhóm học sinh tiểu học, chiều cao trung bình tăng khoảng 2,8cm và cân nặng trung bình tăng 1,9kg. Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), mô hình điểm có cơ sở khoa học và có thể nhân rộng trong thực tiễn; xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường, đó sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, các nhà trường, doanh nghiệp tham gia chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường; đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn về dinh dưỡng trong trường học.

Nâng cao nhận thức, đầu tư thỏa đáng cho dinh dưỡng học đường ảnh 4

PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh: "Mô hình điểm bữa ăn học đường cần được nhân rộng".

PGS.TS. Nguyễn Phương Mai, chuyên gia về khoa học não bộ ứng dụng chỉ rõ đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất serotonin, hormone. Việc duy trì sức khỏe đường ruột thông qua chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ tác động đến hệ tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của trẻ​. Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và chất béo có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ, làm suy giảm khả năng học tập và gây ra các vấn đề về cảm xúc như căng thẳng, trầm cảm. Xây dựng chế độ ăn uống cân đối, giàu chất xơ và dưỡng chất sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển toàn diện của trẻ​.

Một bữa ăn học đường cân bằng sẽ cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu nhằm hỗ trợ sự phát triển thể chất, hiệu suất học tập và ổn định tâm lý. Chương trình dinh dưỡng học đường sẽ có lợi cho tất cả học sinh, nâng cao hiệu quả học tập, giúp xây dựng nguồn lực trí tuệ của quốc gia trong tương lai gần.

Các trường mẫu giáo, tiểu học và các trường bán trú đã tổ chức bữa ăn từ lâu, tuy nhiên nhiều trường không có chuyên gia dinh dưỡng và thường sử dụng các công ty dịch vụ bên ngoài, dẫn tới khó đảm bảo cho các em học sinh một bữa ăn đủ dinh dưỡng, ngon miệng, đa dạng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, có giá thành phù hợp điều kiện kinh tế và văn hóa của từng địa phương. Bữa ăn học đường chưa có sự chuẩn hóa, đồng bộ nên việc tổ chức, quản lý, giám sát và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường vẫn còn nhiều hạn chế.

Nâng cao nhận thức, đầu tư thỏa đáng cho dinh dưỡng học đường ảnh 5

Một bữa ăn học đường cân bằng sẽ cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu nhằm hỗ trợ phát triển thể chất, hiệu suất học tập và ổn định tâm lý.

Cho đến nay, các quy định, nghị định và hướng dẫn đã có rải rác trong một số văn bản, nhưng chưa được tập hợp và luật hóa một cách có hệ thống, khó khăn trong triển khai, vì vậy việc xây dựng chính sách với một hệ thống đồng bộ các văn bản quy phạm về dinh dưỡng học đường sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, các nhà trường, doanh nghiệp tham gia tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường.