Khát vọng vươn mình của tầm vóc Việt

“Đầu tư phát triển thể lực và trí lực là đầu tư phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia”, đó là niềm “đau đáu” của không ít những doanh nghiệp có tâm trong lĩnh vực thực phẩm, dinh dưỡng và giáo dục. Trong đó, suốt chặng đường bền bỉ 15 năm qua, trước thực trạng Việt Nam đứng top cuối thế giới về tầm vóc, thể lực, Tập đoàn TH luôn thể hiện sự kiên định với khát vọng Vì tầm vóc Việt, tiên phong khởi xướng và triển khai các cuộc cách mạng dinh dưỡng vì sức khỏe cộng đồng và tích cực trong đề xuất xây dựng các chính sách về dinh dưỡng học đường.
0:00 / 0:00
0:00
Dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn học đường góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn học đường góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Phát triển tầm vóc, thể lực, trí lực cho thế hệ tương lai

Thế giới đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng đó là tình trạng suy dinh dưỡng (gầy còm, thấp còi), thiếu vi chất dinh dưỡng, cùng với sự gia tăng nhanh thừa cân, béo phì đặc biệt là đối tượng trẻ em 5-19 tuổi.

Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tương tự khi tỷ lệ trẻ học đường (5-19 tuổi) thừa cân, béo phì gia tăng gấp 2 lần sau 10 năm (8,5% năm, 2010 và 19% năm 2020); cùng với sự gia tăng mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và hội chứng chuyển hóa.

Dinh dưỡng và vận động là hai yếu tố có mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời nhau trong phát triển thể chất, tầm vóc của con người nói chung, học sinh nói riêng. Trẻ em lứa tuổi học đường có tốc độ tăng trưởng nhanh. Dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, phòng ngừa các nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây, và có tác động bền vững đến cả giai đoạn sau này khi trẻ trưởng thành.

Chiến lược đầu tư bài bản vào dinh dưỡng học đường giúp cải thiện tầm vóc, thể lực của trẻ em, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia trong tương lai.

Nhật Bản là minh chứng điển hình về cách một quốc gia có thể sử dụng dinh dưỡng, được quy định bởi một “hành lang pháp lý” chuẩn mực, như một công cụ mạnh mẽ để cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chất lượng sống của thế hệ trẻ. Trong đó, dinh dưỡng học đường không chỉ là một giải pháp cải thiện sức khỏe học sinh, mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Thực tế đòi hỏi vấn đề dinh dưỡng học đường cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả. Là một doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này, Tập đoàn TH đã đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan, ban ngành bằng việc đóng góp ý kiến mang tính xây dựng, khởi xướng triển khai các chương trình dinh dưỡng quốc gia.

Năm 2013, TH thực hiện xây dựng mô hình kết hợp với nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng sữa học đường TH true MILK”. Đây là sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, là cơ sở thực tiễn để ban hành tiêu chuẩn Sữa học đường trong Đề án Sữa học đường Quốc gia, bằng Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/7/2016. Sữa tươi và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp calci dồi dào cho trẻ, đã được Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế đưa vào Khuyến nghị sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa cho người Việt Nam ban hành năm 2016 nhằm cải thiện khẩu phần calci hằng ngày.

Khát vọng vươn mình của tầm vóc Việt ảnh 1

Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II - chủ đề Dinh dưỡng học đường - năm 2024.

Năm 2018, Tập đoàn TH phối hợp Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo quốc tế và công bố “Đề án Dinh dưỡng” người Việt với 6 tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù, trong đó có 2 tiểu đề án triển khai các các hoạt động tổng thể về dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi vàng gồm nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời của trẻ, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và bữa ăn cho trẻ lứa tuổi học đường.

Thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025”, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các bộ, ngành, Tập đoàn TH tổ chức xây dựng và triển khai thí điểm mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh và sinh viên Việt Nam” với đối tượng trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trong năm học 2020-2021 tại 10 tỉnh, thành phố, đại diện cho 5 vùng sinh thái lớn trên cả nước, theo hướng sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi nguyên chất được đưa vào khẩu phần bữa ăn một cách khoa học.

Mô hình điểm mang lại hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho học sinh, đồng thời là cơ sở khoa học và thực tiễn đặc biệt quan trọng để xây dựng chính sách dinh dưỡng học đường, hiện thức hóa một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.

Trong nhiều năm qua, nhiều Hội thảo quốc tế về dinh dưỡng người Việt, dinh dưỡng học đường với sự tham gia của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước cũng đã được tổ chức thành công với sự đồng hành, đóng góp của Tập đoàn TH. Từ đó, những góc nhìn toàn diện về thực trạng, những bài học kinh nghiệm quý báu từ thế giới, những mô hình đã được chứng minh hiệu quả đã được chia sẻ rộng rãi.

Các ý kiến thảo luận và khuyến nghị từ các hội thảo và các nghiên cứu/thực nghiệm đóng góp những căn cứ khoa học bài bản cho xây dựng các chính sách và chương trình dinh dưỡng học đường, thực hiện chủ trương, chiến lược phát triển tầm vóc, thể lực, trí lực cho thế hệ tương lai, hưởng ứng thiết thực Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.

Hiện tại, thực trạng ở nước ta là các chương trình về dinh dưỡng học đường chưa được thực hiện đồng bộ, liên tục trên cả nước. Việc tổ chức, quản lý, giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường vẫn còn nhiều hạn chế.

Vì thế, việc xây dựng chính sách với một hệ thống đồng bộ các văn bản quy phạm về dinh dưỡng học đường sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, các nhà trường, doanh nghiệp tham gia tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường.

Ở tầm nhìn vĩ mô, từ những can thiệp dinh dưỡng phù hợp mang lại nhiều lợi ích, có thể tiết kiệm cho đất nước một khoản ngân sách khổng lồ vốn sẽ bị chi tiêu cho các vấn đề sức khỏe toàn dân và những tổn thất không thể đo đếm về suy giảm năng suất lao động.

Cần hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách

Tại buổi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của VCCI và Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam nhân Ngày doanh nhân Việt Nam, Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước và Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt (lần II) chủ đề Dinh dưỡng học đường vừa qua, một lần nữa, tiếng nói tích cực và tâm huyết, bền bỉ trong việc theo đuổi công cuộc cải thiện dinh dưỡng học đường, tầm vóc Việt đã được Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà sáng lập TH chia sẻ.

Khát vọng vươn mình của tầm vóc Việt ảnh 2

Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH, phát biểu tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II.

“Sức khỏe là tài sản lớn nhất của đời người. Con người là chủ thể của xã hội, là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước. Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực. Khoa học đã chứng minh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong giai đoạn “vàng” dưới 12 tuổi, để bồi đắp những nền tảng thể lực, trí lực, tạo sức bật cho sức khỏe về sau, trong đó dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng hàng đầu”, bà Thái Hương khẳng định.

Nữ Anh hùng Lao động dẫn lại câu chuyện thành công của Nhật Bản: “Từ năm 1954 đã có Luật Dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường, và đến nay, chiều cao thanh niên nước này đã đứng trong tốp đầu thế giới. Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ kinh nghiệm thành công của Nhật Bản cho thấy, vấn đề dinh dưỡng học đường cần được nhìn nhận thấu đáo, có tầm chiến lược và luật hóa để triển khai. Con đường đi có thể dài hay ngắn, tùy vào nhận thức, hành lang pháp lý, thời điểm quyết định chiều cao của đời người và cũng là sức mạnh của dân tộc”.

Dinh dưỡng học đường gồm có dinh dưỡng trường học, bữa ăn học đường, vệ sinh trường học, hoạt động thể chất. TH là một nhà sản xuất sữa tươi sạch hàng đầu của đất nước, hơn ai hết, nhà sáng lập TH thấu hiểu và chia sẻ về sự khả thi và tính khoa học của những giải pháp dinh dưỡng phù hợp: Trong bữa ăn học đường, mỗi ly sữa tươi giúp cung cấp các vi chất cần thiết cho lứa tuổi học đường, ở mọi vùng miền. Trẻ em lứa tuổi học đường rất cần vi chất. Việc bổ sung các vi chất có trong sữa tươi nguyên chất và thực phẩm tự nhiên tươi ngon, tận dụng lợi thế rau củ quả của vùng miền mùa nào thức nấy còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nơi đó. Cùng với đó, một yếu tố quan trọng nữa tác động đến chiều cao, thể lực, trí lực là thói quen sử dụng dinh dưỡng.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã có nhiều văn bản luật và dưới luật về chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. “Để dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì ngoài vươn mình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội cần chú ý tới sự “vươn mình” về tầm vóc của người Việt.

Các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện sứ mệnh của mình cùng gánh vác trọng trách, đóng góp cho sự “vươn mình” về thể lực, chiều cao người Việt”, Anh hùng Lao động Thái Hương nhấn mạnh tại buổi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của VCCI và Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam chiều 11/10.

Tại hội thảo quốc tế về dinh dưỡng học đường diễn ra ngày 12/10 vừa qua, bà cũng một lần nữa nhắc lại tâm huyết trước các nhà khoa học và đại biểu: “Tôi có một khát vọng, trăn trở là làm thế nào để con trẻ có nguồn dinh dưỡng và nguồn sữa tươi trong bữa ăn học đường chuẩn chỉ nhất, đặc biệt là trong độ tuổi từ 0-12. Việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng này là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời”.

Vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em là đòi hỏi cấp thiết, đặc biệt là dinh dưỡng học đường, trong đó có việc tạo hành lang pháp lý, hoàn thiện về cơ chế, chính sách. Những năm qua, các bộ, ban, ngành đã thực hiện nhiều chương trình, đề án, các mô hình điểm với những hoạt động thực nghiệm về dinh dưỡng học đường.

Cơ sở lý luận, kinh nghiệm và kết quả thực tiễn triển khai các nghiên cứu, mô hình thực nghiệm đã góp phần khẳng định cần xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường một cách bài bản, chỉn chu, bao trùm nhiều nội dung về hoạt động thể chất, quy định về nhân lực, giáo dục dinh dưỡng, tiêu chuẩn cho bữa ăn học đường…

Qua đó, khắc phục được những hạn chế như các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học đã có nhưng còn tản mạn, chưa tập hợp thành luật riêng, khâu giám sát không chặt chẽ dẫn tới phát sinh hệ lụy, ảnh hưởng tới sức khỏe và phát triển thể chất của con trẻ…

Khát vọng vươn mình của tầm vóc Việt ảnh 3

Sữa tươi và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp calci dồi dào cho trẻ.

Việc xây dựng luật, chính sách hóa các vấn đề về dinh dưỡng học đường cần có giải pháp bền vững và đồng bộ. Điều này không chỉ giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe cho thế hệ tương lai mà còn là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong lĩnh vực dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm đồng bộ sẽ tạo điều kiện, môi trường để có chuỗi cung ứng thực phẩm lành mạnh, thúc đẩy cung ứng và sản xuất thực phẩm an toàn.

Sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, bước đầu là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức sẽ góp phần thúc đẩy sự ra đời, hoàn thiện kịp thời, đồng bộ hệ thống các chính sách về dinh dưỡng học đường.