Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An (Trung tâm) được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Trung tâm Xúc tiến du lịch. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Trước khi hợp nhất, các trung tâm này đã làm khá tốt vai trò “đấu nối” thu hút đầu tư của mình.
Trong đó, phải kể đến Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp với vai trò đầu mối tổ chức các hội nghị thường niên gặp mặt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào dịp đầu xuân với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Quốc hội. Qua hội nghị thường niên này đã thu hút được các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương hiệu quốc tế là VSIP (Singapore) và WHA (Thái Lan) đầu tư các khu công nghiệp. Trên cơ sở đó đã dần góp phần thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp đến với Nghệ An.
Tiếp nối vai trò đầu mối trong thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, bồi dưỡng đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, sau khi hợp nhất, Trung tâm đã góp phần không nhỏ trong việc rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi có nhu cầu tìm hiểu, đầu tư, tư vấn cũng như các hoạt động thương mại, du lịch trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Qua đó đã tạo nên dấu ấn trong thu hút vốn FDI đầu tư vào tỉnh, khi Nghệ An lọt vào tốp 10 các tỉnh, thành phố cả nước trong hai năm 2022 và 2023. Riêng năm 2023, Nghệ An thu hút được gần 1,6 tỷ USD vốn FDI, cao nhất từ trước đến nay.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nguyễn Văn Nam cho biết: Để có được những kết quả trên là cả một quá trình trong việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư FDI có thương hiệu mạnh trên toàn cầu đầu tư đến với Nghệ An. Trong đó, tỉnh Nghệ An đã tập trung thực hiện “5 sẵn sàng” về quy hoạch; hạ tầng thiết yếu; mặt bằng đầu tư; nguồn nhân lực; hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn đến đầu tư.
Hiện, Nghệ An có 13 khu công nghiệp với diện tích hơn 6.300 ha; trong đó, ba khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại với quy mô hơn 1.100 ha, gồm: VSIP Nghệ An, WHA và Hoàng Mai I. Nhiều nhà đầu tư lớn về công nghệ, điện tử, năng lượng mới, những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi của tập đoàn lớn trên thế giới như: Tập đoàn Luxshare-ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy. Shangdong, Sunny... đã chọn Nghệ An làm điểm đến. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunny Diệp Liêu Ninh lý giải việc Tập đoàn Sunny quyết định lựa chọn triển khai dự án vào Nghệ An: Đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh và sự đồng hành của các sở, ban, ngành, cộng với môi trường đầu tư kinh doanh ở Nghệ An rất thuận lợi. Một minh chứng là sau khi chúng tôi nộp hồ sơ thủ tục, chưa đầy một tuần, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ngoài phối hợp vận động, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, trong năm 2023, Trung tâm đã tổ chức 14 khóa bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để gỡ khó trong việc chuyển đổi số, hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị để phát triển thương hiệu sản phẩm.
Góp phần vào sự phát triển của tỉnh Nghệ An, công tác xúc tiến đầu tư, tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư cùng hoạt động xúc tiến thương mại được Trung tâm tổ chức bài bản, đa dạng hình thức thông qua tổ chức các chương trình, tham gia các gian hàng triển lãm trong và ngoài tỉnh. Trung tâm tổ chức thành công chương trình làm việc giữa tỉnh Nghệ An với các đối tác như: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng; tham gia chương trình “Kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các Doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2023 tại thành phố Hà Nội...
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Nam: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các hoạt động hợp tác, xúc tiến trực tiếp với các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước; hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư và chuyên nghiệp hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư để tạo điểm nhấn quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư; đồng thời tăng cường nhận diện thương hiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các nền tảng số...
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc chồng chéo chức năng về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch với một số sở, ngành liên quan sau khi đã sáp nhập các trung tâm về một đầu mối. Đặc biệt cấu trúc về chức năng xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch tập trung theo mô hình hiện nay của Trung tâm trên cả nước mới chỉ có 14/63 tỉnh, thành phố, do đó các hoạt động chuyên môn của Trung tâm gặp khá nhiều khó khăn do chưa thống nhất được tính pháp lý theo bộ, ban, ngành dọc...