Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực

NDO -

Năm 2020, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân cần tổng kết, đánh giá rõ hơn để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực

Đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai

Chiều 24/7, Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, tích cực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động xấu của thiên tai, dịch bệnh; quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực trong nước và từ nước ngoài cho phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, bão, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi liên tiếp xảy ra, đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2020, với 14 cơn bão; 265 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất và hạn hán, xâm nhập mặn làm 379 người chết và mất tích, 1.060 người bị thương; 4,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 594,9 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; gần 269 nghìn ha lúa và 134,9 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 38,6 nghìn con gia súc và 4,1 triệu con gia cầm bị chết. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính gần 39,1 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 32,3 nghìn tỷ đồng (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm cao, nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh và phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống của nhân dân. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư, phát triển. Do vậy, năm 2020, đất nước ta đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với những điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật được xem là năm thành công nhất trong 5 năm qua.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng thống nhất cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra. 

Một trong những kết quả nổi bật là Chính phủ đã sớm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành lồng ghép các nội dung liên quan, ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các vấn đề lớn, quan trọng... tạo tiền đề thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tài nguyên.

Bên cạnh đó Chính phủ đã tích cực đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước; triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; một số sáng kiến trong công tác kiểm soát dịch bệnh đã được triển khai giúp tiết kiệm NSNN…

Việc xác định, xử lý trách nhiệm chưa hiệu quả

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác triển khai chỉ đạo tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa hiệu quả; nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức người dân và doanh nghiệp còn hạn chế,... do đó, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản tán thành với các mục tiêu và sáu giải pháp thực hiện nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời cũng nhấn mạnh một số đề xuất, kiến nghị. Trong đó nhấn mạnh về công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng tiếp tục cơ cấu lại NSNN; siết chặt kỷ cương - kỷ luật tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi; có giải pháp hiệu quả để khắc phục việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cơ chế sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi trong Kho bạc nhà nước với phát hành trái phiếu, tiền gửi của NSNN tại Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại; cân đối việc phát hành trái phiếu, vay vốn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, về công tác thanh tra, kiểm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Về công tác quản lý đất đai, Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị cần khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Rà soát, thống kê diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, đất chưa sử dụng, đất sử dụng không đúng mục đích, các dự án treo,... để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đối với nguồn tài nguyên, đất đai.

Đặc biệt, về xử lý trách nhiệm trong chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV