Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

NDO -

Chiều 16/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam nhằm đánh giá kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam thời gian qua, thảo luận nhiệm vụ thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh TRẦN HẢI)

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, đại diện một số bộ, ngành liên quan.

Phát biểu ý kiến mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, buổi làm việc này nhằm sơ kết quy chế phối hợp,  đánh giá những việc đã làm tốt, rút kinh nghiệm những gì chưa làm được để khắc phục kịp thời, hiệu quả; định hướng công việc sắp tới với tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của công đoàn viên, trên cơ sở đó hai bên cùng nhau nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị mỗi bên.

Thủ tướng mong các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến đánh giá khách quan, đúng mực, trên cơ sở đó, đề ra quy chế phối hợp trên tinh thần đã tốt, hiệu quả rồi thì tốt hơn, hiệu quả hơn để vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị mỗi bên, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của công đoàn viên, vừa phát huy tối đa sức mạnh và sự cống hiến của công đoàn viên nhiều hơn nữa cho đất nước trong giai đoạn khó khăn này.

Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, những kết quả phối hợp đã góp phần giúp mỗi bên hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, góp phần vào thành tựu, kết quả chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong phát triển kinh tế - xã hội và nhất là phòng, chống dịch bệnh những tháng vừa qua.

Về trọng tâm công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, trước hết hai bên cần phối hợp trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và phối hợp theo quy chế, góp phần nâng cao vị thế, vai trò mỗi bên, góp phần bảo vệ, tăng cường lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động gắn với xây dựng giai cấp công nhân hiện đại.

Thủ tướng nhấn mạnh, trước mắt, phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa mau chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng nêu rõ, kiểm soát được dịch bệnh thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngược lại, có khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực chống dịch và bảo đảm các nhu cầu khác của đất nước. Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời cũng không mất bình tĩnh, hoảng hốt, hoang mang, lo sợ, trong quá trình phối hợp phải quán triệt tinh thần này.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, Thủ tướng nêu nhiều giải pháp cụ thể như bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích tinh thần và vật chất chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định… Thủ tướng đã giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Tổng Liên đoàn và các cơ quan khác triển khai cụ thể các nhiệm vụ này.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai các phong trào thi đua vượt khó, “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “năng suất cao, chất lượng tốt”, “mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế… 

Tổng Liên đoàn phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp... Công đoàn phải là một kênh tham gia triển khai 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng lưu ý, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở. Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính phủ sẽ phối hợp Tổng Liên đoàn tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về Công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động, tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ người lao động...

Thủ tướng đề nghị tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hiểu, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, đoàn kết, đồng thuận đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn. Làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí… Phối hợp, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Về các đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn, Thủ tướng giao các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý, giải quyết; báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền. 

Về vấn đề nhà ở công nhân, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bố trí, quy hoạch quỹ đất; có cơ chế phù hợp cơ chế thị trường để huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để công đoàn, địa phương và các doanh nghiệp tham gia, đồng thời bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn cho công tác này. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng dự kiến bố trí thêm kinh phí để tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân.

Liên quan đời sống công nhân, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước đã và đang rất quyết liệt, tích cực triển khai chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, phấn đấu trong quý IV bao phủ vaccine cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, khẩn trương chỉ đạo thực hiện lộ trình để học sinh trở lại trường học tại những nơi an toàn.

Về trọng tâm phối hợp công tác năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hai bên phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nội dung có liên quan theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn, các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp liên quan đến dịch Covid-19.

Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để đoàn viên, người lao động hiểu, nắm rõ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, các cấp công đoàn và ngành, địa phương nhất là Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện... của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch. Phối hợp thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, các giải pháp bảo đảm lao động, sẵn sàng đưa người lao động trở lại làm việc để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi xướng, trong đó ưu tiên thực hiện đợt thi đua cao điểm “Vượt thách thức, đón thời cơ - thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả công tác”, phong trào “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Phối hợp thúc đẩy chương trình nhà ở cho công nhân.

Phối hợp huy động mọi nguồn lực, quan tâm, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân - Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2022.

Phối hợp, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, chính sách đối với người lao động; việc triển khai thực hiện chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân, công nhân, viên chức, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; về bảo hiểm xã hội; an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ tại cơ sở.

Phối hợp trong công tác sắp xếp, xử lý tài sản công của tổ chức Công đoàn; sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổ chức Công đoàn theo các quy định của pháp luật.

Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các lần làm việc và gặp gỡ công nhân lao động.