Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

NDO -

Chiều 29/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 05-QCPH/BNCTW-ĐĐMTTQVN, ngày 25/12/2015 giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng chí Phan Đình Trạc trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nội chính Đảng cho các đồng chí có cống hiến.
Đồng chí Phan Đình Trạc trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nội chính Đảng cho các đồng chí có cống hiến.

Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Đỗ Văn Chiến yêu cầu hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về kết quả sau hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp. Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, các đại biểu cần chỉ ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân để cùng nhau bàn giải pháp khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn nữa quy chế phối hợp trong giai đoạn 2021-2025.

Qua hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, hai cơ quan đã cùng tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Phối hợp giám sát công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, lĩnh vực, phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan cũng như  tập hợp, phân tích, đánh giá ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, qua đó đề xuất với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, công tác phòng, chống tham nhũng.

Hai bên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ; trao đổi, cung cấp cho nhau nhiều thông tin, tài liệu, báo cáo, văn bản quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện để hai cơ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thông qua việc thực hiện Quy chế phối hợp, mối quan hệ giữa hai cơ quan, giữa các vụ, đơn vị của hai cơ quan được gần gũi, gắn bó, qua đó khẳng định xu thế, nhu cầu phối hợp giữa hai cơ quan là thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, công tác phối hợp vẫn còn một số hạn chế và còn một số nội dung trong Quy chế phối hợp chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, thường xuyên, một số nội dung chưa được cụ thể hóa nên chưa có cơ sở thực hiện đã ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả hoạt động của từng cơ quan.

Trong thời gian tới, hai cơ quan tiếp tục tập trung vào những nội dung: phối hợp trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách, pháp luật về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp.

Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp.

Làm tốt hơn nữa công tác nắm tình hình, tham mưu xử lý các tình huống chính trị, các vấn đề nổi cộm có liên quan đến an ninh quốc gia, tôn giáo, dân tộc; các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn được dư luận xã hội quan tâm, cũng như các vụ án có liên quan đến người có uy tín trong xã hội.

Tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp, trao đổi thông tin, định hướng tuyên truyền về xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu  cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Nội chính Trung ương có ý nghĩa quan trọng, góp phần ngăn ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Do đó, trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu hai bên tiếp tục tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Nhất là, giám sát việc nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Trong đó, chú trọng công tác giám sát việc công khai, minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; giám sát về giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, nhất là những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, bức xúc trong  nhân dân; về bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; về công khai các kết luận thanh tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật; về xử lý tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng...         

Hai bên tiếp tục phối hợp tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, tổng hợp và đề xuất xử lý các phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân về những vấn đề nổi lên liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoạt động tư pháp, an ninh, trật tự; về dân tộc, tôn giáo, nhân quyền; các thông tin, tài liệu, phục vụ các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động của thành viên Ban Chỉ đạo.