Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

NDO -

Chiều 8/12, Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đánh giá, công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ trong hơn 5 năm qua cơ bản được triển khai nghiêm túc, theo đúng các nội dung trong Quy chế với hình thức, phương pháp phối hợp đa dạng, thể hiện tinh thần hợp tác, hỗ trợ.

Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp thể hiện ở nhiều mặt, nhiều nội dung công tác mà hai cơ quan đã đạt được trong thời gian qua, như: Nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng; tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo và các hoạt động của Thành viên Ban Chỉ đạo; phối hợp tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Kịp thời phát hiện, kiến nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội…

Tuy nhiên, việc phối hợp công tác giữa hai cơ quan còn một số tồn tại, hạn chế: Các đơn vị thuộc hai cơ quan chưa phát huy hết khả năng phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc trao đổi, cung cấp thông tin các kết luận thanh tra về một số vụ việc được dư luận xã hội quan tâm có lúc còn chưa kịp thời, đầy đủ. Hai bên chưa thường xuyên phối hợp đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết một số vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, xảy ra ở một số địa phương…

Trong thời gian tới, để tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong công tác nội chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần “không dừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”, hai cơ quan tập trung phối hợp thực hiện các nhiệm vụ sau: Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế về nội chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có Luật Thanh tra và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tổ chức rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách, những khâu, lĩnh vực về quản lý kinh tế-xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng; đề xuất giải pháp khắc phục bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Hai bên tiếp tục tập trung phối hợp làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng được Thanh tra Chính phủ phát hiện qua thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác phối hợp để xử lý tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, góp phần bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, nhiệm vụ đối với hai cơ quan trong thời gian tới là rất lớn, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, cho nên cán bộ, công chức của hai bên phải đoàn kết, phấn đấu, phối hợp ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả. Hai cơ quan cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp tham mưu chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Trọng tâm là tham mưu chỉ đạo tăng cường thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (đây là quy định rất mở của Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên, ...); thanh tra trách nhiệm người đứng đầu về phòng, chống tham nhũng; các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm; đẩy mạnh thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất có nguồn gốc Nhà nước.

Hai bên tăng cường phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý sau thanh tra; phối hợp theo dõi, đôn đốc việc xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm do thanh tra chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan về tham nhũng, tiêu cực; nhất là, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về các vụ, việc vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu tội phạm (cả trong quá trình thanh tra) để tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”.