Nâng cao hiệu quả công tác phản biện xã hội

Triển khai có trọng tâm, trọng điểm, công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội tại thành phố Hà Nội đã phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu góp ý tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố. (Ảnh NGUYỄN PHƯỢNG)
Các đại biểu góp ý tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố. (Ảnh NGUYỄN PHƯỢNG)

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội vừa tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, để thực hiện thành công các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo, tại dự thảo lần này, Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất thêm 10 chính sách mới, sửa đổi, bổ sung ba nội dung và không thực hiện năm nội dung.

Trong đó có sáu nhóm chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội như hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở sấy, sơ chế, bảo quản giống, bảo quản nông sản... Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách trên địa bàn thành phố là khoảng 1.691,9 tỷ đồng/năm, trong đó, ngân sách thành phố 459,9 tỷ đồng/năm; ngân sách cấp huyện 217 tỷ đồng/năm; còn lại lấy từ nguồn kinh phí đối ứng từ các tổ chức, cá nhân.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Bá Sướng cho rằng, để Hà Nội trở thành trung tâm giống với công nghệ, năng suất, chất lượng cao, thành phố cần quan tâm đào tạo, tuyển chọn được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý ngang tầm nhiệm vụ được giao.

Cần làm rõ vai trò của nông nghiệp và phát triển nông thôn Thủ đô, nền kinh tế Thủ đô với kinh tế của các vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng khác; xác định sản phẩm đặc thù của Hà Nội là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp du lịch, sinh thái. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá, các ý kiến tại hội nghị đã thể hiện sự thống nhất cao với việc cần thiết ban hành Nghị quyết các chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố, qua đó thể hiện sự tâm huyết, kỳ vọng phát triển nông nghiệp Thủ đô xứng tầm, không chỉ trong cơ cấu kinh tế Thủ đô mà ở cả vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tích cực tham gia phản biện nhiều dự thảo Nghị quyết trước khi được đưa ra các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố. Tại kỳ họp thứ 9,Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã phản biện ba nội dung gồm: Đề án phân cấp ủy quyền; mức thu học phí và cơ chế hỗ trợ học phí; hỗ trợ y, bác sĩ và nhân viên y tế của thành phố Hà Nội.

Trước kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố cuối năm dự kiến khai mạc sáng 5/12, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã phối hợp tổ chức phản biện xã hội về một số nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm như: Chính sách đặc thù về phát triển nông nghiệp, nông thôn; mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Ngoài ra, các nội dung khác cũng được Mặt trận Tổ quốc thành phố phản biện bằng văn bản theo quy định.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Mặt trận các cấp thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn giám sát, phối hợp tham gia hơn 10 nghìn đoàn giám sát; chủ động lựa chọn giám sát những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc. Đáng chú ý, Mặt trận các cấp đã tổ chức hơn 3.000 hội nghị phản biện xã hội.

Tại các địa phương, Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng tích cực tham gia giám sát, phản biện nhiều nội dung quan trọng. Đơn cử, Mặt trận Tổ quốc huyện Quốc Oai phối hợp tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo dự án xây dựng chợ Phủ kết hợp cây xanh.

Mặt trận Tổ quốc các xã, thị trấn của huyện Thanh Trì tổ chức 16 hội nghị phản biện vào ba đề án “Tăng cường sàng lọc bệnh, tật bẩm sinh, di truyền ở trẻ em nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2026”; “Đầu tư trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại” và “Nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn huyện”.