Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội nghị là dịp quan trọng để đánh giá công tác đối ngoại địa phương thời gian qua; quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thống nhất phương hướng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách trong phòng, chống dịch, duy trì và phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, trong thành tựu chung của đối ngoại, có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương. Bộ trưởng nêu rõ, Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021; chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Bộ trưởng nhấn mạnh, với sự chỉ đạo, hướng dẫn phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan ở Trung ương, các địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tích cực bảo hộ công dân, đặc biệt tiếp nhận an toàn công dân từ nước ngoài về nước do tác động của dịch Covid-19. Ngoại giao văn hóa ở các địa phương ngày càng được chú trọng, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh các địa phương với bạn bè quốc tế, số lượng hồ sơ di sản địa phương trình lên và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận ngày càng tăng.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gợi mở một số vấn đề thảo luận tại Hội nghị như làm rõ hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương trong giai đoạn phát triển mới, nhất là vị trí tiên phong của đối ngoại địa phương trong tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của các địa phương trong hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng nhấn mạnh, xác định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm của công tác đối ngoại địa phương. Đồng thời, trong việc triển khai đối ngoại địa phương cần nắm bắt tốt các xu thế vận động, các diễn biến mới của tình hình quốc tế và trong nước; vận dụng sáng tạo, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của Đảng và điều kiện đặc thù của từng địa phương; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại tại địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng kết công tác đối ngoại địa phương kể từ Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 và định hướng công tác trong thời gian tới. Các đại biểu cũng nghe trình bày về triển khai công tác đối ngoại địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp vượt qua thử thách từ đại dịch Covid-19, hướng tới sự phục hồi toàn diện…
Bên lề Hội nghị, Triển lãm trưng bày các sản phẩm thương hiệu Việt Nam đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp địa phương.