Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 18 có ý nghĩa như thế nào?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 18 có ý nghĩa rất đặc biệt vì được tổ chức ngay sau Đại hội lần thứ XII của Đảng và được tổ chức cùng Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29. Hội nghị năm nay nhằm đánh giá lại công tác ngoại vụ, vốn là lĩnh vực quan trọng của Bộ Ngoại giao, kể từ Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 17 vào năm 2013 và đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới cùng các biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác ngoại vụ, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của các địa phương.
PV: Sau những ý kiến, chia sẻ của đại diện các Sở Ngoại vụ địa phương và Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại Hội nghị, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động ngoại vụ thời gian qua?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Có thể khẳng định rằng, kết quả thu được từ hoạt động ngoại vụ thời gian qua là rất tích cực. Các đại biểu, Đại sứ đều đánh giá: Trong thời gian vừa qua, công tác ngoại vụ đã được các bộ, ban, ngành T.Ư, trong đó có Bộ Ngoại giao, cơ quan được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước và hỗ trợ địa phương quản lý hoạt động ngoại vụ, hết sức quan tâm. Điều này được thể hiện qua việc tăng cường công tác tổ chức cũng như văn bản pháp lý liên quan đến công tác ngoại vụ. Bộ máy hoạt động ngoại vụ cũng được củng cố. Hiện nay, có gần 50 tỉnh, thành phố đã có Sở Ngoại vụ; đội ngũ cán bộ được đào tạo, phát triển cả về chất lượng và số lượng. Các Sở Ngoại vụ đã kết nối với Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ban, ngành T.Ư để tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương nhằm bảo đảm an ninh.
Về chính trị - đối ngoại, công tác đối ngoại địa phương đã góp phần tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, phối hợp các bộ, ban, ngành T.Ư trong việc tạo dựng quan hệ với các nước, nhất là các địa phương của các nước. Trong hai năm qua, gần 300 văn bản hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của các nước đã được ký kết.
Về lĩnh vực kinh tế, các Sở Ngoại vụ đã kết nối với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy đầu tư, tìm nguồn công nghệ mới. Tại hội nghị, một số đại diện ở địa phương đã nêu thí dụ cụ thể về vấn đề thúc đẩy hợp tác, trao đổi những giống cây trồng, vật nuôi mới và công nghệ mới. Các đại biểu đã nêu rõ sự quan trọng của việc tìm thị trường mới, tranh thủ công nghệ bên ngoài để bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Liên quan vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, rõ ràng, sự hỗ trợ từ bên ngoài là rất quan trọng, không chỉ về vốn mà còn về công nghệ xử lý biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tiềm năng hợp tác về văn hóa giữa Việt Nam với các địa phương nước ngoài hiện nay là rất lớn. Rất nhiều địa phương ở Việt Nam đã chú trọng thúc đẩy quan hệ với các doanh nghiệp, địa phương nước ngoài để thu hút nguồn chất xám, thúc đẩy du lịch…
PV: Theo Thứ trưởng, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ như thế nào cho các địa phương để giúp hoạt động đối ngoại địa phương đạt hiệu quả tốt hơn?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Qua theo dõi và từ các nghiên cứu của các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, tôi nhận thấy, các cơ quan chức năng ở địa phương đã rất nỗ lực đối với công tác đối ngoại địa phương. Nhiều đơn vị, ban, ngành khác nhau của địa phương đã tham gia vào công tác này như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ...
Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án còn phụ thuộc vào không chỉ các đối tác của ta mà còn ở đối tác quốc tế. Bộ Ngoại giao từ trước đến nay đều cố gắng phối hợp với các địa phương xây dựng những kế hoạch cụ thể. Đối với Chiến lược về hội nhập quốc tế, các địa phương cũng xây dựng chiến lược về hội nhập quốc tế riêng cho địa phương mình, trong đó có nghiên cứu vấn đề tranh thủ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn viện trợ quốc tế và tranh thủ những điều kiện mới của các hiệp định thương mại tự do.
Các địa phương cũng cần làm việc với các đối tác, ban, ngành T.Ư để xác định những thế mạnh của từng địa phương, qua đó xác định những đối tác phù hợp. Tôi cho rằng, việc xây dựng kế hoạch và xác định những đối tác phù hợp là rất quan trọng.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao cũng mở những lớp bổ trợ kiến thức cho khoảng 2.000 lượt cán bộ làm công tác đối ngoại tại địa phương; giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức về kinh tế và các kiến thức chuyên môn.
Để làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại tại địa phương, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, chiến lược liên quan đến hội nhập quốc tế, từ đó xác định những đối tượng, quốc gia, tổ chức phù hợp với nhu cầu của địa phương mình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.