Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa

Đông Anh là một trong số ít địa phương thuộc thành phố Hà Nội đã có nhà văn hóa tại các thôn, tổ dân phố. Song, vấn đề không chỉ nằm ở số lượng. Hầu hết các nhà văn hóa đều tổ chức các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho các lứa tuổi và hoạt động sôi nổi. Qua đó, nhiều môn nghệ thuật truyền thống được nuôi dưỡng; người dân được hưởng thụ các hoạt động văn hóa trên quê hương mình. Đây chính là bài học cần được nhân rộng trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động của các thiết chế văn hóa giúp phong trào thể thao quần chúng của huyện Đông Anh phát triển.
Hoạt động của các thiết chế văn hóa giúp phong trào thể thao quần chúng của huyện Đông Anh phát triển.

Nhà văn hóa thôn Đại Độ (xã Võng La) được xây dựng từ năm 2018. Đây là một công trình lớn với tổng diện tích hơn 3.000m2, gồm nhà văn hóa và khuôn viên chung quanh. Nhưng điều người dân thôn Đại Độ tự hào không phải quy mô của nhà văn hóa, mà bởi không khí của nhà văn hóa thôn luôn sôi động. Nếu ngày thường mọi người đi làm thì vào buổi sáng, buổi tối hay ngày cuối tuần, các Câu lạc bộ (CLB) phải xếp lịch để hoạt động.

Bởi hiện nay, nhà văn hóa thôn Đại Độ có tới 9 CLB khác nhau thường xuyên sinh hoạt, gồm: Văn nghệ, Bóng đá, Bóng cửa, Yoga, Khiêu vũ, Bóng chuyền hơi, Trống hội… Trưởng thôn Đại Độ Nguyễn Văn Minh cho biết: “Chúng tôi đã bầu ra Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa gồm năm ông, bà. Đó là nòng cốt của phong trào. Vào các buổi tối mùa hè, nhà văn hóa còn tổ chức các hoạt động hè cho thanh, thiếu nhi. Nhà văn hóa hiện có một tủ sách để tuyên truyền pháp luật, có hệ thống bàn ghế, loa đài để phục vụ các cuộc họp, các hoạt động văn nghệ được chu đáo”.

Cũng như thôn Đại Độ, nhà văn hóa Tổ dân phố số 9 thị trấn Đông Anh luôn sáng đèn mỗi tối. Bà Hoàng Thị Mai, đại diện Tổ dân phố số 9 cho biết: “Từ năm 2020, sau khi được UBND thị trấn đầu tư xây nhà văn hóa mới, nhân dân trong tổ đồng lòng góp công, góp của đầu tư thêm các trang, thiết bị phục vụ cho sinh hoạt văn nghệ, thể thao.

Nhà văn hóa được trang trí trang trọng, đẹp mắt, tạo không gian tươi vui đầm ấm và được nhân dân khai thác hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi sẽ có thêm CLB Thơ, CLB Hát chèo và một số CLB thể thao khác, đổi mới hình thức hoạt động như giao lưu, hội thi, hội diễn văn nghệ, TDTT quần chúng để nhà văn hóa là nơi gắn kết mọi người”.

Để xây dựng đời sống văn hóa, Huyện ủy Đông Anh đã xây dựng Chương trình số 04-CTr/HU ngày 7/9/2020 về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025”, ban hành Nghị quyết số 250-NQ/HU của Huyện ủy Đông Anh về thực hiện tiêu chí “5 có, 3 không”.

5 có gồm: Có nhà văn hóa; có công viên mi-ni, điểm sinh hoạt cộng đồng; có sân bóng đá; có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh; có điểm thu gom, tập kết phế thải xây dựng. Thực hiện các Chương trình, Nghị quyết này, đến nay, 152 trong tổng số 155 thôn có nhà văn hóa (đạt 98%), 30/30 tổ dân phố có nhà văn hóa. Toàn huyện hiện có 881 khu thể thao, bao gồm một sân vận động có khán đài, 13 bể bơi, 148 sân bóng đá, 235 sân cầu lông, 450 sân bóng chuyền…

Ngoài ra, huyện còn có 233 điểm sinh hoạt cộng đồng, 60 tiểu công viên, 80 điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh. 99 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng đã lắp đặt 654 thiết bị, dụng cụ thể thao ngoài trời để nhân dân tập luyện. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đông Anh Đặng Giang Sơn cho biết: “Toàn bộ 195 thôn, tổ dân phố đều đã thành lập Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa. Mỗi Ban chủ nhiệm gồm ít nhất năm người chịu trách nhiệm quản lý, điều phối, tổ chức các hoạt động.

Bên cạnh đó, huyện Đông Anh còn thành lập được 1.172 CLB văn hóa, thể dục, thể thao. Các nhà văn hóa-khu thể thao là nơi tổ chức, sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, giao lưu, sinh hoạt chuyên đề, tiếp nhận thông tin của cộng đồng và cũng là nơi truyền tải các thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân”.

Thực tế hoạt động của các nhà văn hóa tại huyện Đông Anh cho thấy, việc thành lập Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa, ban hành quy chế hoạt động của các nhà văn hóa, đồng thời, với việc thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao có vai trò then chốt trong việc vận hành nhà văn hóa hiệu quả.

Công chức văn hóa xã Cổ Loa Nguyễn Thị Yến chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Tại Cổ Loa cũng như các địa phương khác ở Đông Anh, vai trò của Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa rất quan trọng. Ban Chủ nhiệm định hướng, khơi dậy, huy động nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch của địa phương, Ban Chủ nhiệm nhà văn hóa các thôn xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức các hoạt động tại Nhà văn hóa, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoạt động của từng CLB, từng ngành, đoàn thể và linh hoạt xử lý khi có nội dung sinh hoạt đột xuất... Bên cạnh đó, Nhà văn hóa cần phân công người phụ trách vệ sinh, môi trường thì mới bảo đảm không gian nhà văn hóa luôn sạch, đẹp”.