Nâng cao giá trị bưởi Tân Triều

NDO - Bưởi Tân Triều (Ðồng Nai) hiện đang được tiến hành xác lập chỉ dẫn địa lý (CDÐL), đồng thời địa phương cũng đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để phát triển bền vững đặc sản này.
Bưởi Tân Triều, sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu.
Bưởi Tân Triều, sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

Vùng trồng bưởi Tân Triều tập trung chủ yếu ở năm xã: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân và Tân An của huyện Vĩnh Cửu, nằm trên dải đất phù sa dọc theo sông Ðồng Nai. Ðây là dải đất được bồi tụ bởi phù sa sông Ðồng Nai, giàu dinh dưỡng, rất thích hợp cho cây bưởi sinh trưởng và phát triển.

Vùng bưởi nơi đây hình thành rất sớm, từ những năm sau 60 của thế kỷ 20, khi vùng đất này dân cư còn thưa thớt. Ngoài điều kiện tự nhiên phù hợp với cây bưởi, thì yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng và thương hiệu bưởi Tân Triều. Vùng Tân Triều có hơn 20 giống bưởi, trong đó có một số giống bưởi chất lượng cao được ưa chuộng như: Ðường lá cam, đường da láng, bưởi ổi, bưởi đường núm, bưởi thanh trà, thanh dây, bưởi xiêm... Người dân Tân Triều  có kinh nghiệm trồng bưởi hàng chục năm, phần lớn rất tâm huyết với nghề. Cây bưởi đã mang lại cho họ nguồn thu nhập cao và ổn định, mỗi năm từ 200 đến 400 triệu đồng/ha. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được các nhà vườn ứng dụng như: nhân giống bằng phương pháp vô tính (chiết cành) để duy trì được đặc tính của giống; tuyển chọn cây mẹ có đặc điểm giống tốt để giống không bị thoái hóa; chú trọng việc bảo quản, phòng trừ sâu hại theo phương pháp mới... Chính vì vậy, danh tiếng của bưởi Tân Triều ngày càng được nâng cao. Người dân Tân Triều thường ví sự ngon lành của bưởi là "tứ tuyệt", tức là: nhiều nhất, ngon nhất, quý nhất, danh tiếng nhất.

Ðể khẳng định tính đặc thù và danh tiếng của bưởi Tân Triều, năm 2009, Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), Sở KH và CN Ðồng Nai đã thực hiện đề tài "Xác lập CDÐL cho sản phẩm bưởi Tân Triều". Ðến nay, kết quả đề tài đã chứng minh được tính chất đặc thù của vùng trồng bưởi Tân Triều có những đặc điểm khác biệt so với những khu vực lân cận nói riêng và khu vực khác nói chung. Trên cơ sở đó, tỉnh đã nộp hồ sơ đăng ký xác lập CDÐL cho bưởi Tân Triều.

Trước đó, sớm nhận thức được những giá trị kinh tế của sản phẩm này, ngay từ năm 2002, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Vĩnh Cửu đã tiến hành đầu tư phát triển một số công trình thủy lợi và cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp đủ nguồn nước cho phát triển nông nghiệp và giải quyết tiêu thoát nước ngập úng cho khu vực: đầu tư các dự án trong khu du lịch vườn bưởi Tân Triều... Nhiều đề tài, dự án được các cơ quan khoa học và chính quyền, địa phương quan tâm, triển khai như: Nghiên cứu tuyển chọn giống bưởi có triển vọng và biện pháp thâm canh nâng cao hiệu quả vườn bưởi Biên Hòa - Ðồng Nai; Hỗ trợ phát triển vùng trồng bưởi đặc sản tại huyện Vĩnh Cửu,... Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN đã thành lập phòng nuôi cấy mô và đã cung cấp cho huyện Vĩnh Cửu 5.000 cây bưởi giống tốt, sạch bệnh. Ðồng thời khuyến nông của tỉnh và huyện đã có những hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân một cách thường xuyên. Nhờ vậy, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu "Bưởi Biên Hòa - đặc sản Tân Triều" cho Hội làm vườn huyện Vĩnh Cửu (đại diện cho 554 hộ trồng bưởi của bốn xã trên địa bàn). Tháng 5-2011, năm hộ của HTX bưởi Tân Triều canh tác trên diện tích 6,7 ha được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và 11 hộ với 3,1 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Việc 16 nhà vườn nhận được chứng nhận GlobalGAP và VietGAP sẽ mở đầu cho phong trào sản xuất bưởi chất lượng cao, an toàn thực phẩm và có khả năng truy nguyên nguồn gốc (khi có vấn đề về chất lượng sản phẩm trên chuỗi cung ứng). Trước mắt, 9,8 ha bưởi nêu trên đã có "giấy thông hành" vào siêu thị, trong đó 3,1 ha đạt GlobalGAP có thể tham gia xuất khẩu.

Trên cơ sở tham khảo cơ chế và mô hình quản lý CDÐL cho các sản phẩm nông sản trong nước, nhất là mô hình quản lý CDÐL thanh long Bình Thuận, nho Ninh Thuận, Sở KH và CN Ðồng Nai với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu Trí tuệ đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất chi tiết về mô hình và cơ chế quản lý, kiểm soát CDÐL cho bưởi Tân Triều. Kế hoạch áp dụng rộng rãi quy chế quản lý nhằm đạt mục tiêu  bảo đảm quyền sử dụng CDÐL cho tất cả các tổ chức, cá nhân đủ khả năng và đáp ứng các điều kiện theo quy định; sản phẩm mang CDÐL được kiểm soát, quản lý từ canh tác đến tiêu thụ sản, phẩm nhằm bảo đảm chất lượng; quản lý việc sử dụng tem, nhãn, bao bì đối với sản phẩm mang CDÐL khi đưa ra thị trường; hướng dẫn các hội viên, cơ quan quản lý và thực hiện giám sát việc sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm đối với sản phẩm mang CDÐL. Bên cạnh đó, các phương tiện cần thiết phục vụ công tác quản lý như quy chế quản lý và sử dụng CDÐL Tân Triều, quy trình trồng và thu hoạch bưởi tại vùng bưởi Tân Triều... cũng đã được xây dựng. Chắc chắn, với các giải pháp đồng bộ này, bưởi Tân Triều sẽ ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

NGUYỄN THỊ HOÀNG

Phó Giám đốc Sở KH và CN Ðồng Nai