Phóng viên (PV): Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được và những kinh nghiệm nổi bật?
Đồng chí Trần Tiến Dũng: Lai Châu là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài, gồm 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85% và có 5 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La Hủ, Lự và Si La. Trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách chung của Trung ương đối với đồng bào dân tộc khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, tỉnh Lai Châu đã ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, đề án riêng.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các chính sách đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng đã tạo nên những kết quả hết sức quan trọng, toàn diện trên nhiều mặt, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân các dân tộc. Kinh tế phát triển nhanh và khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 43,7 triệu đồng, tăng hơn hai lần so với năm 2015; thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 ước đạt hơn 2.025 tỷ đồng, tăng hai lần so với năm 2015; tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,5%; 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 40,4% tổng số xã toàn tỉnh). Văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016 - 2020 giảm 4,78% vượt chỉ tiêu 4,18%/năm Chính phủ giao; riêng huyện nghèo giảm 5,44%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,34%/năm. Trong giai đoạn có hai huyện được Chính phủ công nhận thoát nghèo (huyện Than Uyên và Tân Uyên), 19 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135.
Qua việc tổ chức triển khai thực hiện có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là: Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt; tăng cường khối đại đoàn kết, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể; tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng, trong nhân dân về quan điểm, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về thực hiện các chính sách dân tộc.
Hai là: Kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sát với thực tiễn. Mỗi địa phương phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và yêu cầu bức thiết của người dân, cần phát huy dân chủ rộng rãi, tiếp thu ý kiến của nhân dân, có cách làm chủ động, sáng tạo; lựa chọn những nội dung cần làm trước, cần tập trung đầu tư; điều phối tập trung nguồn lực, làm dứt điểm từng việc.
Ba là: Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc một cách sâu sát, hiệu quả. Thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Bốn là: Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ người dân tộc; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực này.
PV: Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác này theo đồng chí cần triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì?
Đồng chí Trần Tiến Dũng: Để tiếp tục thực hiện tốt công tác này thời gian tới, tỉnh Lai Châu xác định một số giải pháp trọng tâm là: Tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương cho đồng bào dân tộc khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các Đề án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 như: Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát triển rừng bền vững; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025.
Song song với việc tập trung phát triển kinh tế gắn với việc khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc cần tập trung phát triển giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chú trọng phát triển văn hóa, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Văn Toán và Anh Tuấn
(Thực hiện)