Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới

Sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Hà Nội đã thay đổi từng ngày; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2024, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, dồn lực nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, sau một thời gian triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2023, có nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch. Đạt được thành quả này là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của các cấp chính quyền. Do tích cực tuyên truyền, người dân ngày càng nhận thức sâu sắc về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình và vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Họ đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn mét vuông đất thổ cư, hàng trăm nghìn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông như gia đình cựu chiến binh Nguyễn Hữu Lộc (huyện Mê Linh), gia đình các ông: Phạm Ngọc Giai (huyện Phú Xuyên), Kiều Văn Tính (huyện Thạch Thất), Phạm Đình Thiện (huyện Hoài Đức).

Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 1.750 trang trại (đánh giá theo quy định Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong đó một số trang trại kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế tốt như: Trang trại hữu cơ Tuệ Viên (ở quận Long Biên), trang trại trải nghiệm Vạn An (huyện Thanh Trì)..., góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Thành phố cũng đã xây dựng được hàng trăm mô hình: ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp và chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế tốt, phù hợp thực tế của Hà Nội. Thí dụ như mô hình sản xuất nấm theo công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức), với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD, diện tích nuôi trồng nấm 3.000 m2; sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói 100% của Nhật Bản, năng suất hiện nay đạt 3 tấn/ngày. Sản phẩm nấm kim châm Kinoko Thanh Cao đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận OCOP 4 sao, có gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội. Đến hết năm 2023, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 2.717 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.465 sản phẩm 4 sao và 1.234 sản phẩm 3 sao; là một trong những điểm sáng của cả nước.

Cùng với đó, nhiều nông dân nhờ làm nông nghiệp đã có của ăn của để. Điển hình là mô hình trồng hoa giấy của gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh ở thôn Phù Đổng 1 (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm), trên tổng diện tích 6 mẫu, trồng gối từ 5.000 đến 6.000 cây hoa giấy nhiều kiểu dáng đa dạng, được khách hàng yêu thích.

Ông Hạnh chia sẻ: "Dịp Tết Giáp Thìn 2024, nhu cầu mua hoa giấy cảnh rất cao, mỗi ngày tôi bán được từ 80 đến 100 cây, doanh thu tốt".

Bên cạnh những việc làm được, có ý kiến cho rằng, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở Hà Nội vẫn còn một số hạn chế: Thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2023 mới đạt 64,26 triệu đồng/người (kế hoạch là 70 triệu đồng/người/năm); số trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm 75% (kế hoạch là 81%); tỷ lệ thôn có nhà văn hóa đạt 98,7% (kế hoạch là 100%) và còn hơn 100 xã, người dân chưa được sử dụng nước sạch.

Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật khu vực nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều nơi đã xuống cấp, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Sự phát triển của các địa phương không đồng đều, trình độ dân trí, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn còn khó khăn và còn chênh lệch lớn so với khu vực nội thành. Quá trình đô thị hóa của thành phố phát triển mạnh, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp nhanh, manh mún, khó khăn trong công tác cơ giới hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, nâng cao hiệu quả xây dựng NTM trong thời gian tới, thành phố cần gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn với đô thị hóa và ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; hình thành thêm các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn; chú trọng đầu tư phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại; có thêm cơ chế, chính sách để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với người nông dân, hợp tác xã; đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần đẩy mạnh kết quả thực hiện phong trào "Cả nước chung sức xây dựng NTM"; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về xây dựng NTM, nhất là tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.