Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Hiện nay, các huyện ven đô của Hà Nội đã gắn việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới với các tiêu chí để phát triển thành quận, trong đó chú trọng nâng cấp hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nhờ đó, nhiều vùng ven đô đã có diện mạo khang trang, hiện đại.

0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng hoa giấy gắn với dịch vụ du lịch tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm).
Mô hình trồng hoa giấy gắn với dịch vụ du lịch tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm).

Bài 2: Chú trọng nâng cấp hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) chỉ có khoảng 130ha đất canh tác, nếu chỉ trông vào trồng trọt, chăn nuôi thì rất khó tạo được đột phá. Liên Hà vốn có nghề mộc dân dụng. Khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang phát triển công nghiệp làng nghề theo hướng sản xuất tập trung, tách dần sản xuất khỏi khu dân cư.

Những làng quê “chất lượng cao”

Năm 2008, xã có một cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 9,6ha. Đến năm 2018, xã tiếp tục thực hiện dự án mở rộng Cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn hai với diện tích 9,52ha. Hoạt động của cụm công nghiệp đã mở đường cho làng nghề phát triển, trên địa bàn có khoảng hơn 500 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất; hàng chục doanh nghiệp ra đời, hoạt động hiệu quả. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Liên Hà Nguyễn Quang Lục cho biết: “Nghề truyền thống đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 94% lao động địa phương và gần 4.000 lao động ngoài xã. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã được quy hoạch lại theo hướng tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Xã có năm sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP”. Liên Hà không còn hộ nghèo từ năm 2019. Năm 2021, thu nhập đạt bình quân 75,5 triệu đồng/người/năm.

Với những thành tựu này, Liên Hà đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 ở ba tiêu chí: Giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất. Đan Phượng là huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội và hiện nay cũng là huyện đầu tiên có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài Liên Hà, các xã đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân, Tân Hội.

Việc chuyển đổi kinh tế tại Đan Phượng được thực hiện theo hai hình thức: Phi nông nghiệp hóa và phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Hiện Đan Phượng có nhiều thương hiệu hoa, rau củ quả, cây ăn quả nổi tiếng của thành phố.

Tháng 9, khi nắng thu nhuộm vàng trên bờ đê và đồng ruộng, người dân xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) lại tất bật đón vụ hoa giấy mới. Nghề trồng hoa giấy ở đây đã có từ lâu, nhưng từ năm 2020, khi xã xây dựng thương hiệu tập thể “Hoa giấy Phù Đổng” thì những bông hoa giấy mỏng manh, rực rỡ sắc mầu mới đã đem lại ấm no cho người dân nơi đây. Xã Phù Đổng có tổng diện tích đất nông nghiệp 463,6ha.

Thực hiện việc chuyển đổi để hình thành vùng chuyên canh chất lượng cao, đến nay, Phù Đổng đã nâng diện tích trồng hoa lên 116,7ha, diện tích trồng cây ăn quả đạt gần 143ha, xây dựng các mô hình phục vụ phát triển du lịch. Giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt 780 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả đạt 290 triệu đồng/ha/năm.

Ông Lê Thanh Cao, thôn Phù Đổng 1 hiện có 1,5ha hoa giấy với 4.000 cây hoa thành phẩm, 5.000 cây giống. Mỗi năm trừ chi phí, cây hoa giấy mang lại cho gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng. Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt cho biết: “Với định hướng huyện Gia Lâm phát triển thành quận vào năm 2025, Đảng ủy xã Phù Đổng xây dựng Chương trình số 04-CTr/ĐU, ngày 22/9/2020 về “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị, giai đoạn 2020-2025”.

Xã lựa chọn khâu đột phá là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng môi trường, hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh về hoa, cây cảnh, cây ăn quả kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái. Hiện xã hoàn thành 6/9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đạt 12/16 tiêu chí xây dựng xã thành phường”.

Tương tự như Phù Đổng, các xã Yên Viên, Dương Xá, Bát Tràng của Gia Lâm đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Gia Lâm phấn đấu hết năm 2023, cả 20 xã của huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao, làm tiền đề để Gia Lâm lên quận theo chủ trương của thành phố.

Bước đệm để thành đô thị

Theo kế hoạch của thành phố, năm huyện sẽ phát triển thành quận gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì. Do đó, cả năm huyện đều triển khai các biện pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với những tiêu chí lên quận, trong đó, chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng. Định hướng này đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi vùng ven đô ngày càng tiệm cận với chất lượng sống tại đô thị.

Dù đã được công nhận là huyện nông thôn mới năm 2016, hiện nay, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đông Anh vẫn đang được “tăng tốc”. Huyện đã đầu tư hàng chục dự án xây dựng các tuyến đường đấu nối, tiếp tục thu hút các dự án lớn như: Dự án Công viên công nghệ phần mềm (Tập đoàn Vin Group), Dự án nhà ở xã hội Green Link City, Dự án Green Homes Cổ Loa…

Đây đều là những dự án “nghìn tỷ”, tạo diện mạo mới cho Đông Anh trong tương lai gần. Sau khi có bốn xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, dự kiến, hết năm nay, huyện sẽ có thêm từ sáu đến tám xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và một xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, huyện đã đạt 26/27 tiêu chí phát triển thành quận. Chỉ còn một tiêu chí chưa đạt là xử lý nước thải.

Huyện Thanh Trì cũng đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép “xã phát triển thành phường gắn với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”. Dự kiến đến hết năm 2025, huyện có thêm chín xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 là 10 xã (chiếm 66,7%), trong đó có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 33%).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, huyện còn ba tiêu chí lên quận chưa đạt là: Cân đối thu, chi ngân sách, mật độ giao thông đô thị, đất cây xanh công cộng. Nhưng cả ba tiêu chí này đang chuyển biến tích cực. Tiêu chí mật độ giao thông đô thị đạt 9,3km/km2 và còn thiếu khoảng 0,7km/km2. Huyện đã đề xuất thực hiện 46 dự án đường giao thông, trong đó có 28 dự án thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của huyện để đến năm 2025, huyện vượt chỉ tiêu này.

Huyện Đan Phượng hoàn thiện hạ tầng giao thông đến đâu, huyện “nâng cấp” đến đó bằng các hoạt động trang trí, cải tạo đường phố, ngõ xóm từ huy động sức dân. Những hoạt động này là nền tảng vững chắc để các huyện ven đô phát triển thành quận trong tương lai.

(Còn nữa)

(*) Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 20/9/2022.