Bài 1: Đất khó vươn lên
Thời điểm mới sáp nhập về Hà Nội, nhiều xã ở vùng cao, vùng sâu của các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Ðức… là "rốn nghèo". Nhưng hôm nay, cuộc sống của người dân những khu vực này đã được nâng cao một cách toàn diện. Những con đường mới mở, những chuyến xe tấp nập chở nông sản của người dân đi tiêu thụ là hình ảnh tiêu biểu cho một nông thôn thật sự đổi mới.
Về xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) những ngày này, không ai không ngạc nhiên trước những đổi thay đến chóng mặt. Những con đường bê-tông trải từ trung tâm xã đến tận những ngõ ngách xa nhất, rồi vươn thẳng ra cánh đồng. Hai bên đường, những ngôi nhà xinh xắn giữa những khu trang trại, khu vườn được xây dựng ngăn nắp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiến Xuân Ðinh Công Long phấn khởi cho biết, hiện nay, thu nhập bình quân người dân đã đạt 62 triệu đồng/năm.
Những năm trước, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, người dân nửa mừng, nửa lo. Lợi ích thì ai cũng rõ, nhưng nguồn lực ở đâu để triển khai, để xây dựng, để chuyển đổi cách làm ăn. Trong bối cảnh ấy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương vừa quán triệt, vừa vận động để người dân tin rằng, với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các hộ dân có thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhờ đó, người dân mạnh dạn thay đổi cách làm. Nhiều hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Ðiển hình như anh Lê Nguyên Hoàng, ở thôn 3 đã tiên phong trồng 10ha rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng và tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Kinh tế phát triển, người dân tin hơn vào thành công của xây dựng nông thôn mới, tích cực đóng góp xây dựng hạ tầng. Câu chuyện ở xã nghèo Tiến Xuân là hình ảnh đại diện cho sự bứt phá của Thạch Thất những năm qua. Thạch Thất đã được công nhận Huyện Nông thôn mới năm 2021.
Những năm trước, Phúc Thọ cũng là huyện nằm trong "tốp cuối" của thành phố. Huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng", trong đó nổi bật là tổ chức đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy với đại diện nhân dân để cùng tìm ra hướng phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Phúc Thọ triển khai các mô hình phát triển kinh tế, xã hội; phát động cuộc vận động ba sạch, gồm nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao nhận thức và quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, an toàn, cũng như trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp của người dân. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết: Ðến nay, huyện đã phát triển được 480ha rau an toàn tập trung, hơn 450ha hoa, cây cảnh, 1.000ha cây ăn quả, hơn 3.060ha lúa chất lượng cao. Nhiều nông sản đã được công nhận nhãn hiệu tập thể như bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, tương nếp Tam Hiệp…, nâng cao giá trị sản phẩm, đời sống người dân.
Nói đến khó khăn, Ba Vì luôn là địa bàn được nhắc đến nhiều nhất, nhất là các xã vùng núi như: Yên Bài, Vân Hòa, Khánh Thượng, Minh Quang... Nhưng đó là chuyện cũ. Yên Bài là xã có 45% dân số là người Mường, giao thông khó khăn, dân trí chưa cao là lực cản lớn cho sự phát triển. Xã đã chọn hướng đi là tập trung khai thác kinh tế vườn đồi bằng các mô hình trồng bưởi Diễn, trồng chè, đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, kết hợp với các mô hình gà đồi. Thôn Phú Yên là một thí dụ. Hiện nay cả thôn có 200 hộ dân thì 100% hộ dân trồng bưởi kết hợp trồng chè. Thu nhập bình quân mỗi hộ đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Bùi Văn Lập là chủ nhân của vườn bưởi 7.000m2 với 300 cây trồng theo quy trình VietGAP, toàn bộ sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc. Trung bình mỗi vụ thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng. Toàn xã hiện có 1.500 con bò sữa, 100% hộ liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp... Từ "rốn nghèo" của thành phố, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ba Vì chỉ còn 0,17%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,98%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 91%; 30/30 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia... Ba Vì phấn đấu năm 2022 sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện.
Từ chủ trương xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm kết thúc, hiện nhiều "vùng đất khó" của Hà Nội sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục hướng đến nông thôn mới nâng cao, giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một cải thiện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiến Xuân Ðinh Công Long cho biết, Tiến Xuân phấn đấu trở thành xã miền núi đầu tiên của thành phố Hà Nội hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Riêng trong năm 2022, xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng. Ðể "phổ cập hóa" xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết: "Huyện tiếp tục chỉ đạo, huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, huyện thực hiện 134 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 3.833 tỷ đồng. Huyện tiếp tục vận động nhân dân ủng hộ bằng tiền và hiện vật trong xây dựng nông thôn mới nâng cao; chỉ đạo tập trung thi công hoàn thành các công trình, hoàn thiện các tiêu chí…".
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ Nguyễn Ðình Sơn cho biết, phát huy kết quả xây dựng nông thôn mới, huyện đã xây dựng đề án Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Ðề án đặt mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 có từ tám đến 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng trong năm 2022, huyện phấn đấu đưa các xã Võng Xuyên, Hát Môn "về đích" nông thôn mới nâng cao. Huyện Ba Vì tiếp tục chỉ đạo ba xã Tản Hồng, Vạn Thắng, Sơn Ðà xây dựng Nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.
(Còn nữa)