Nâng cao chất lượng tuyên truyền tại thôn, bản

Các huyện miền núi phía tây tỉnh Nghệ An là nơi nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống, tạo ra sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa cũng như phong tục tập quán. Chính vì thế, công tác tuyên truyền miệng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương coi trọng, thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức nhằm truyền tải nhanh nhất và sinh động nhất chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Nghệ An)
Một góc bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Nghệ An)

Quá trình này đã góp phần nâng cao nhận thức tác động tích cực vào đời sống kinh tế-xã hội của người dân địa phương.

Nhiều hình thức đa dạng, phong phú

Ngược từ quốc lộ 7 về phía tây nam chừng 30km, chúng tôi đến xã biên giới Tam Hợp của huyện Tương Dương. Xã nổi tiếng với những cánh rừng lạnh nguyên sinh đặc trưng của Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên và dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở Đảng ủy, UBND xã (vốn là doanh trại của Đồn Biên phòng Tam Hợp cũ nằm cheo leo trên đỉnh đồi), Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp Lê Hồng Thái bộc bạch rằng, anh cũng mới được tăng cường vào xã năm 2019. Sau Đại hội Đảng bộ xã, Đảng ủy xã Tam Hợp nhìn nhận một cách trực tiếp những khó khăn, thách thức mà địa phương đang đối diện.

Một trong những khó khăn chính là việc gìn giữ, bảo vệ môi trường trong điều kiện đất canh tác ít, lực lượng bảo vệ tài nguyên rừng còn thiếu và mỏng. Đảng ủy xã đã đặt ra mục tiêu nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong bảo vệ, gìn giữ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, trước mắt là khôi phục đàn cá mát trên con suối chạy qua xã.

Đảng viên Lương Phi Thanh ở Chi bộ bản Sốp Nậm tâm sự: Chúng tôi thuộc thế hệ những người đầu tiên vào xã này dựng bản hơn 40 năm về trước, lúc đó có thể nói là tài nguyên rừng và nước vô cùng phong phú. Con cá mát ở dòng suối này chính là nguồn sống của người dân. Dần dần người đông, đã xuất hiện cách đánh bắt cá mang tính tận diệt như dùng kích điện làm cho những con cá nhỏ cũng không sống nổi.

Nhìn cảnh đó, nhiều người đau xót và nhức nhối. Ngăn cản thì bị chính những người đánh cá chây lỳ, cãi lý cùn. Đến năm 2019, Đảng ủy xã Tam Hợp ban hành nghị quyết về bảo tồn đàn cá mát của địa phương. Đây là tiền đề và cũng là cơ sở để những người có lòng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như Lương Phi Thanh vào cuộc.

Đồng chí kể: Lúc đầu cũng bị một số người phản đối quyết liệt lắm. Ngay cả những người không đánh bắt cá cũng cảm thấy như bị động chạm quyền lợi, phản đối ra mặt. Vậy là cán bộ, đảng viên của nhiều chi bộ thôn, bản phải xuống vận động từng nhà, từng người. Lúc đầu chỉ nói về cái ơn con cá mát cứu dân bản mình trong những mùa giáp hạt các năm xưa, sau nói về chủ trương, đường lối của Đảng, của địa phương sau này hình thành phát triển du lịch và nhất là phải giữ giống cá quý này cho con cháu mai sau còn biết tới.

Dần dà cũng tìm được sự đồng thuận của người dân. Các chi bộ lại vận động người dân lập hương ước, quy định mùa bắt cá, dịp bắt cá, hình thức bắt cá. Đến nay, mô hình bảo tồn đàn cá mát ở Tam Hợp đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn có một hình thức tuyên truyền miệng rất thú vị, đó là mở lễ hội tuyên truyền. Hình thức này xuất phát từ tập quán, phong tục của đồng bào rất ưa các hoạt động giao lưu, văn nghệ.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ Vù Và Chá, phần lớn người dân trong xã là đồng bào dân tộc H’Mông và Khơ Mú có tập quán sinh hoạt, canh tác, làm ăn xa nên gom dân để vận động, tuyên truyền là rất khó khăn. Sau quan sát, nghiên cứu tập quán của đồng bào, nhiều chi bộ đã có sáng kiến kết hợp tuyên truyền miệng trong các dịp giao lưu, lễ hội của đồng bào.

Thực tế thì việc tổ chức hội cũng rất dễ, chỉ cần vài tiết mục văn nghệ cùng với một sân khấu nho nhỏ cũng khiến người dân rất thích thú, dù ở nương xa cũng tìm về giao lưu. Bên cạnh đó, xã tổ chức một đội tuyên truyền lưu động với loa kéo, tờ rơi, họa báo in nhiều hình ảnh dễ hiểu để nâng cao chất lượng tuyên truyền.

Kết quả, hơn 99% số người dân tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua là dẫn chứng sinh động; hay trong đợt tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 cũng rất hiệu quả, người dân tự giác chấp hành các chỉ đạo về phòng, chống dịch của Trung ương.

Tuyên truyền miệng là trách nhiệm của đảng viên

Trao đổi với Bí thư Chi bộ bản Khổi Lô Văn Thuyết ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương về thành tích phát triển thành công hai đảng viên mới trong một thời gian ngắn, đồng chí chia sẻ bí quyết xuất phát từ quá trình “truyền nghề”, phổ biến mô hình sản xuất, kinh doanh đã kết hợp, vận dụng những “bài giảng” chính trị.

Mưa dầm thấm lâu, lý tưởng cách mạng trong quần chúng lớn dần rồi trở thành nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thời gian qua, việc phát triển đảng ở khu vực nông thôn miền núi gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng lao động trẻ chủ yếu đi làm ăn xa. Người ở lại địa phương thường là người ở độ tuổi trung niên và phụ nữ.

Trong thực tế, nhiều đồng chí cấp ủy, đảng viên ở chi bộ thôn, bản thường bỏ qua hai đối tượng này, trong đó có nguyên nhân thiếu sâu sát, thường có suy nghĩ chủ quan rằng người trung niên và phụ nữ nông thôn miền núi có trình độ văn hóa thấp. Song sự thật không phải vậy. Bởi những người đã có thể khởi nghiệp ở địa phương dù là miền núi vùng sâu, vùng xa đều có trình độ văn hóa nhất định.

Phát hiện ra điều này và cũng xuất phát từ suy nghĩ về trách nhiệm tuyên truyền miệng của mỗi cán bộ, đảng viên,vậy là bên cạnh công tác hướng nghiệp, đồng chí Thuyết đã truyền tải thêm tình yêu đất nước, lý tưởng cách mạng.

Chia sẻ kinh nhiệm công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở, đồng chí Thuyết cho biết, dù là tuyên truyền bằng miệng nhưng cũng cần bài bản và có chiều sâu. Cùng được nghe bài tuyên truyền của đồng chí với đồng bào trong thôn, chúng tôi nhận thấy sự chuẩn bị thật chu đáo, công phu. Mở đầu là những tấm gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế trong cả nước; về công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và tỉnh Nghệ An; rồi cuối cùng là những chủ trương, chính sách, đúng đắn kịp thời của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Không những vậy, bài tuyên truyền miệng của đồng chí còn có phần liên hệ tới cá nhân và địa phương tạo ra một sự gần gũi, liền mạch. Theo đồng chí Lô Văn Thuyết, trong tuyên truyền miệng đối với bà con dân tộc cần nhất là thái độ chân tình, đúng đắn, dẫn chứng cụ thể; thuyết phục chứ không phải lôi kéo, vồ vập; không để quần chúng ảo tưởng đứng trong hàng ngũ của Đảng là sẽ được lợi lộc hay cái nọ, cái kia.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tam Thái Lang Văn Hiển nhận xét: Đảng ủy xã Tam Thái đánh giá rất cao hoạt động tuyên truyền miệng của Bí thư Chi bộ Lô Văn Thuyết. Đồng chí không chỉ phát huy vai trò của một bí thư chi bộ gương mẫu, một đảng ủy viên trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã mà còn là cánh chim đầu đàn dẫn dắt mô hình kinh tế địa phương phát triển.

Đến nay, các mô hình trồng sắn trên sườn dốc, trồng xoài, chăn nuôi gia súc, cá giống của đồng chí Lô Văn Thuyết đã được nhân rộng ra trên địa bàn nhiều xã, kèm theo đó là sức lan tỏa của một tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Qua câu chuyện này, dễ thấy bất cứ đồng chí đảng viên nào cũng có thể thực hành công tác tuyên truyền miệng, cần tránh tâm thế trông chờ ỷ lại ngành tuyên giáo. Đó cũng là khẳng định của Tỉnh ủy Nghệ An trong hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17 CT/TW của Ban Bí thư vừa diễn ra gần đây. Theo đó, tính đến tháng 5/2022, toàn tỉnh Nghệ An có 8.052 báo cáo viên, tuyên truyền viên; trong đó có 7.391 báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở.

Tỉnh đánh giá thời gian qua, nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên về công tác tuyên truyền miệng được nâng lên, có nhiều cách làm hay, phong phú, thiết thực. Tuy vậy, đại diện lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định công tác tuyên truyền miệng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, không khoán trắng cho cán bộ làm công tác tuyên giáo. Để làm được vậy, công tác tuyên truyền miệng phải ngày càng gắn chặt với yêu cầu công tác xây dựng Đảng hiện nay; cán bộ phải sâu sát cơ sở, khắc phục các biểu hiện quan liêu, xa dân, né tránh, ngại tiếp xúc với nhân dân.