Sau khi về đích nông thôn mới, Đồng Phú, Hợp Đồng và Thủy Xuân Tiên là ba xã đầu tiên của huyện Chương Mỹ đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2021. Đến nay, cả ba xã đã được Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội thẩm định, công nhận đủ điều kiện xã nông thôn mới nâng cao. Có được kết quả này, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị và người dân ba xã đã đoàn kết, chung tay nâng cao chất lượng các tiêu chí. Xã Đồng Phú huy động được 386 tỷ đồng, trong đó, người dân tự nguyện đóng góp và xã hội hóa được gần 29 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp các công trình công cộng, văn hóa, mở mang đường giao thông, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, xã hội thuận lợi. Xã Hợp Đồng huy động được hơn 10 tỷ đồng từ người dân, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, đường làng, ngõ xóm. Cùng với đó, người dân chuyển đổi thêm gần 89 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Xã Thủy Xuân Tiên tập trung khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân đầu tư mở rộng mô hình sản xuất giống cây trồng, trồng bưởi Diễn; nâng cao hiệu quả hoạt động của sáu hợp tác xã dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người ước đạt 66 triệu đồng/năm.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Chương Mỹ, chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân. Từ năm 2010 đến nay, cùng với nguồn vốn gần 7.500 tỷ đồng, người dân đóng góp gần 98.300 ngày công lao động, hiến gần 2.300 m2 đất thổ cư, hơn 57 ha đất nông nghiệp mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và hơn 1.060 tỷ đồng tiền mặt, hiện vật… để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, diện mạo nông thôn thay đổi nhanh chóng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Đến hết năm 2020, toàn bộ 30 xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đã hoàn thành tất cả 9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa, dựa trên các chỉ tiêu đạt được, Chương Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới trước một năm so với kế hoạch. Đây là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Mới đây, tại hội nghị bỏ phiếu đề nghị xét, công nhận huyện Chương Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 do Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 tổ chức, 100% thành viên có mặt đã tán thành việc gửi hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện Chương Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, mặc dù kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới được phần lớn các hộ dân, tương đương 99,3% hộ dân đồng tình, hài lòng, nhưng còn 1.845 ý kiến chưa hài lòng về hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, do điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt không ổn định, mất điện trong giờ cao điểm. Một số hộ dân chưa được cung cấp nước sạch. Ngoài ra, hơn 1.530 ý kiến không hài lòng về hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, công tác bảo vệ môi trường, khi việc thu gom và vận chuyển rác thải ở một số xã còn chậm; một số xã chưa có nơi tập kết rác thải theo quy định…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân Chương Mỹ. Chủ tịch thành phố yêu cầu huyện Chương Mỹ phối hợp các sở, ngành tập trung giải quyết sớm những nội dung người dân chưa hài lòng; đồng thời đẩy nhanh phương án bảo vệ môi trường làng nghề và tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trồng cây xanh, xây dựng nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi nâng cao chất lượng hệ thống thu gom, xử lý chất thải; kiên quyết xử lý tình trạng xả thải bừa bãi để nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân.