Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP Cà Mau

Toàn tỉnh Cà Mau đã công nhận được 128 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có giá bán tăng 20%, doanh thu tăng khoảng từ 10-30% và tiếp tục được đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm bánh phồng tôm tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát.
Sản phẩm bánh phồng tôm tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Cà Mau đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng…

Là tỉnh có 3 mặt giáp biển, cùng hệ sinh thái đa dạng, độc đáo của rừng ngập mặn, ngập ngọt đã giúp Cà Mau có lợi thế mạnh về sản xuất nông, lâm, thủy, hải sản... Lợi thế đó góp phần tạo nên hệ thống sản phảm đặc sản địa phương đa dạng, phong phú, thúc đẩy chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh này ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh.

Các sản phẩm OCOP được chế biến từ con tôm, con cua, những loài thủy sản đặc hữu có thế mạnh của rừng ngập mặn Cà Mau, đã đáp ứng được nhu cầu chế biến phục vụ cho gia đình, được sự khuyến khích phát triển từ chính quyền địa phương.

Trong đó, sản phẩm bánh phồng tôm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát, đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Theo ông Mai Sáu, Giám đốc công ty, sau 3 năm kể từ khi đạt chuẩn, thị trường và thị phần tiêu thụ bánh phồng tôm của công ty không chỉ có trong quầy, sạp nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị… phục vụ nội địa mà hiện đã được cung cấp cho đối tác xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Ông Sáu cho biết, công ty của gia đình đang tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng dây chuyền sản xuất với quy mô lớn hơn nhằm bảo đảm đơn hàng cho đối tác với chất lượng tốt nhất. "Với sản phẩm chủ lực bánh phồng tôm, chúng tôi đang tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng, cải tiến bao bì… để phấn đấu trong năm 2023 được nâng hạng lên 4 sao. Chúng tôi đang hy vọng vào 2 sản phẩm mới là bánh phồng khoai môn và bánh phồng chuối" - ông Mai Sáu chia sẻ.

Ông Khưu Văn Chương, Giám đốc Công ty SK NONI ở ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, sản phẩm nước ép từ trái nhàu đã được công nhận OCOP 3 sao, có doanh thu tăng khoảng từ 10-30%, giá bán sản phẩm tăng từ 20-30%. Bên cạnh gia tăng về giá trị, doanh nghiệp triển khai Chương trình OCOP như gia đình tôi còn tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi vùng nông thôn.

Qua hơn 3 năm thực hiện, toàn tỉnh Cà Mau đã công nhận được 128 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Theo đánh giá của đại diện ngành công thương Cà Mau, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có doanh thu tăng khoảng từ 10-30%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng 20%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng 25-30%, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Để đạt những kết quả nêu trên, thời gian qua, Cà Mau có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Muốn vậy, Cà Mau căn cứ vào quy hoạch của tỉnh để phát triển vùng cung cấp nguyên liệu, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP du lịch nông thôn; đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách tín dụng, đất đai, các chính sách, chương trình, đề án… làm trợ lực thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP tại địa phương.

Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành hai nghị quyết liên quan đến quy định nội dung, mức chi thực hiện Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, cũng như quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu liên quan đến OCOP.

Từ các nghị quyết đã ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm tập trung triển khai thực hiện các chính sách về sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại; vận dụng, lồng ghép các chính sách về kinh tế tập thể, khuyến nông, khuyến công, chuyển đổi số, hỗ trợ khởi nghiệp,… để khuyến khích, hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP.

"Thời gian tới, Chương trình OCOP của tỉnh tập trung đẩy mạnh xây dựng nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đưa sản phẩm OCOP Cà Mau tiếp cận các địa phương trong nước và quốc tế", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chia sẻ.